Logo
HOẠI TỬ VÔ MẠCH CHỎM XƯƠNG ĐÙI: CĂN BỆNH PHÁT TRIỂN THẦM LẶNG!

HOẠI TỬ VÔ MẠCH CHỎM XƯƠNG ĐÙI: CĂN BỆNH PHÁT TRIỂN THẦM LẶNG!

Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi là một quá trình bệnh lý xảy ra do mất nguồn cung cấp máu tới chỏm xương đùi. Đây là kết quả của các yếu tố chấn thương hoặc không chấn thương làm tổn thương đến hệ thống mạch máu của chỏm xương đùi

Theo chia sẻ của BS CKI Hà Nguyên Phong – chuyên khoa Chấn Thương Chỉnh Hình - Trưởng khoa Ngoại Tổng Hợp Bệnh Viện Đại Học Y Dược Shing Mark: Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi là bệnh lý có tổn thương hoại tử tế bào xương và tủy xương do bị thiếu máu nuôi chỏm xương đùi. Vùng hoại tử lúc đầu tạo ra các vùng thưa xương, các ổ khuyết xương, về sau dẫn đến gãy xương dưới sụn, cuối cùng gây xẹp chỏm xương đùi. Đây là một căn bệnh nguy hiểm, âm thầm tấn công khớp háng, gây ra những cơn đau nhức dai dẳng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ làm mất chức năng của khớp háng dẫn đến tàn phế. Hiểu rõ về căn bệnh này là chìa khóa để phòng ngừa và điều trị hiệu quả.

Nguyên nhân: Có 3 nhóm nguyên nhân

- Do chấn thương: chấn thương gãy cổ xương đùi, trật khớp háng làm tổn thương mạch máu nuôi chỏm xương đùi.

- Không do chấn thương: 

  • Lạm dụng rượu bia, thuốc lá.
  • Sử dụng corticoid liều cao kéo dài.
  • Những bệnh lý làm tổn thương hẹp, tắc mạch máu nuôi chỏm xương đùi: Đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch…
  • Một số bệnh lý khác có liên quan đến bệnh hoại tử chỏm xương đùi: lupus ban đỏ, thiếu máu hồng cầu hình liềm…
  • Tác dụng phụ của một số biện pháp điều trị: như xạ trị, hóa trị trong các bệnh lý ung thư.
  • Một số nghề nghiệp làm trong môi trường áp suất rối loạn: như thợ mỏ, thợ lặn.

- Hoại tử chỏm xương đùi vô căn: không tìm thấy nguyên nhân.

Dấu hiệu nhận biết hoại tử chỏm xương đùi

- Đau khớp háng: 

  • Giai đoạn khởi phát triệu chứng đau thường mơ hồ, cơn đau xuất phát từ bẹn lan xuống mặt trong đùi hoặc có khi thấy đau vùng sau mông. Ngoài ra nhiều người bệnh xuất hiện đau ở khớp gối, nên dễ bị chẩn đoán nhầm.
  • Giai đoạn tiến triển đau khớp háng tăng dần, đau nhiều khi đi lại, khi lên xuống cầu thang.
  • Giai đoạn muộn đau ở háng rõ rệt hơn, đau cả khi nằm nghỉ ngơi, đi lại rất khó khăn.

- Dáng đi bất thường, hạn chế vận động khớp háng: Bệnh nhân bị hoại tử chỏm xương đùi sẽ khó khăn khi đi lại, khi ngồi xổm hoặc ngồi xếp bằng. Ở giai đoạn muộn  hạn chế phần lớn những hoạt động khớp háng, gồm cả các động tác gập, duỗi háng, dáng đi chân thấp chân cao do ngắn chi.

- Teo cơ vùng mông và đùi: Do đau nhiều làm bệnh nhân ngại vận động dẫn đến teo cơ.

Phương pháp chẩn đoán

Dựa vào những biểu hiện lâm sàng kết hợp các yếu tố nguy cơ cao của người bệnh như tiền sử chấn thương khớp háng, lạm dụng rượu bia, mắc những bệnh nội khoa mạn tính như rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường…Cùng với hình ảnh cận lâm sàng để có một chẩn đoán xác định.

Các phương pháp cận lâm sàng thường được chỉ định gồm:

- X-quang: Thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, chỏm xương đùi đã bị tổn thương nhiều.

- MRI: Khi kết quả trên X-quang không rõ hoặc không đủ cơ sở để chẩn đoán bệnh, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh chụp MRI để xác định chính xác tình trạng hoại tử chỏm xương đùi hoặc phát hiện bệnh lý ở giai đoạn sớm.

Điều trị: Tùy vào giai đoạn bệnh bác sỹ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp

Giai đoạn đầu: Điều trị nội khoa

-  Loại bỏ các yếu tố nguy cơ: bỏ thuốc lá, tránh rượu bia, tránh hoặc hạn chế tối đa sử dụng corticoid.

- Giảm tải lên chân đau: giảm hoạt động hoặc dùng nạng hỗ trợ khi đi lại, tránh khiêng vác nặng, tránh chơi những môn thể thao vận động mạnh.

- Vật lý trị liệu tránh teo cơ, co cứng khớp.

- Điều trị bằng thuốc: sử dụng các thuốc chống viêm không steroid phối hợp thuốc giảm đau thông thường, bổ sung canxi. Điều trị các bệnh lý phối hợp.

Giai đoạn sau: Phẫu thuật

- Phẫu thuật khoan giảm áp chỏm xương đùi đơn thuần hoặc khoan giảm áp kèm ghép xương: khi chỏm xương đùi chưa xẹp, chưa bị biến dạng.

- Phẫu thuật thay khớp háng: Khi chỏm xương bị xẹp, biến dạng, người bệnh cần được thay khớp háng. Đây là lựa chọn điều trị cuối cùng.

Biện pháp phòng ngừa

Để giảm nguy cơ hoại tử chỏm xương đùi, cần lưu ý:

- Hạn chế tối đa rượu bia, bỏ hút thuốc.

- Chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế dầu mỡ.

- Kiểm soát tốt những bệnh nội khoa như kiểm soát huyết áp, lipid máu, đường huyết…

- Không lạm dụng thuốc chứa corticoid. Nếu dùng nên đảm bảo tuân thủ theo đúng chỉ định từ bác sĩ.

Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi là một căn bệnh nguy hiểm, nhưng hoàn toàn có thể điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Hãy chủ động bảo vệ sức khỏe khớp háng của bạn bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa và đi khám bác sĩ ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ.

Tại Bệnh Viện Đại Học Y Dược Shing Mark đã tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp bị hoại tử chỏm xương đùi. Với những máy móc trang thiết bị hiện đại cùng với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm bệnh nhân được chẩn đoán chính xác giai đoạn bệnh và từ đó lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp đem lại hiệu quả điều trị cao nhất. Nhiều bệnh nhân hoại tử chỏm xương đùi giai đoạn muộn đã phục hồi lại chức năng khớp háng, phục hồi chức năng sinh hoạt hàng ngày sau phẫu thuật thay khớp háng tại bệnh viện.

     
      BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC SHING MARK

 

Các tin khác