Logo
HÃY BẢO VỆ CON BẠN KHỎI BỆNH TAY CHÂN MIỆNG

HÃY BẢO VỆ CON BẠN KHỎI BỆNH TAY CHÂN MIỆNG

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai thì số ca mắc bệnh tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng trong những tuần qua. Đặc biệt là các Huyện Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng bom. Bệnh tay chân miệng rất nhầm lẫn với sốt mọc răng, nhiệt miệng, sốt phát ban hoặc thủy đậu. Hiện nay không có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vaccine phòng ngừa bệnh tay chân miệng nên việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ và theo dõi biến chứng. Chính vì thế việc phát hiện sớm dấu hiện bệnh, đưa trẻ đi khám kịp thời đóng vai trò quan trọng để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Bài viết sau đây của Khoa Nhi Bệnh viện Đại Học Y Dược Shing Mark sẽ mang đến cho bạn những thông tin hữu ích về vấn đề này.

 

BỆNH TAY CHÂN MIỆNG LÀ GÌ?

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do siêu vi rút đường ruột thuộc nhóm Coxsackieviruses và Enterovirus 71 (EV71) gây ra. Biểu hiện chính là tổn thương da niêm dưới dạng bóng nước ở các vị trí đặc biệt như miệng, lòng bàn tay,lòng bàn chân, mông, đầu gối. Tay chân miệng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là dưới 3 tuổi, lây chủ yếu qua đường tiêu hóa, nguồn lây chính là nước bọt, bóng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Trẻ có thể bị tay chân miệng quanh năm nhưng cao điểm thường tăng cao vào tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 9 đến tháng 12.

 

KHI NHIỄM BỆNH SẼ XUẤT HIỆN TRIỆU CHỨNG GÌ?

  • Trẻ em khi bị nhiễm bệnh Tay Chân Miệng sẽ bị sốt, mệt mỏi, biếng ăn, đau họng và quấy khóc.
  • Xuất hiện bóng nước và vết loét trong họng.
  • Phát ban bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, quanh miệng hoặc mông.

Bố mẹ cần lưu ý, khi bé có các dấu hiệu nặng dưới đây, cần phải đưa bé nhập viện ngay:

  • Sốt cao khó hạ
  • Giật mình chới với
  • Run tay chân
  • Co giật, ngủ gà

 

BỆNH LÂY QUA NHỮNG CON ĐƯỜNG NÀO?

Virut tay chân miệng có khả năng lây lan rất nhanh, vì vậy bé có thể dễ bị lây bệnh nếu:

  • Tiếp xúc với người bị bệnh
  • Tiếp xúc với nước bọt, chất dịch từ người bệnh (khi họ ho hoặc hắt hơi)
  • Tiếp xúc với đồ vật, bề mặt bị ô nhiễm
  • Tiếp xúc với phân

 

CẦN LÀM GÌ ĐỂ PHÒNG BỆNH CHO BÉ?

Bố mẹ cần có những biện pháp để bảo vệ con mình khỏi nguy cơ mắc bệnh Tay Chân Miệng:

  • Tránh tiếp xúc với người bệnh
  • Che miệng khi ho hoặc hắt hơi
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng
  • Rửa sạch các vật dụng bẩn (đồ chơi, nhà vệ sinh, bộ bát ăn của bé)
  • Hạn chế đưa tay lên mặt
  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho bé
  • Nếu bé đã nhiễm bệnh, cho bé ở nhà cho đến khi hoàn toàn khỏi bệnh

Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vậy nên bản thân mỗi người cần thực hiện đủ các biện pháp phòng tránh để bảo vệ bản thân và con em chúng ta.

 

 

Các tin khác