QUY TRÌNH NỘI SOI PHẾ QUẢN BẰNG ỐNG NỘI SOI PHẾ QUẢN QUANG HỌC MỀM.
I. CÁC LÝ DO ĐỂ NỘI SOI PHẾ QUẢN.
Các triệu chứng của bệnh hô hấp không giải thích được :
- Ho dai dẳng, ho ra máu,
- Khàn giọng tiếng kéo dài
- Thở khò khè, thởồn ào hoặc khó thở.
- Nghi ung thư phổi ( trên phim X quang phổi)
- Xẹp phổi dai dẳng (xẹp phổi)
- Nghi dị vật đường thở ( sặc trong khi ăn).
- Nội soi phế quản ống mềm giúp bác sĩ quan sát được những tổn thương mô, tế bào trong cơ quan hô hấp. Từ đó chẩn đoán đúng tình trạng bệnh nhân và đưa ra phương pháp trị liệu phù hợp.
II.NỘI SOI PHẾ QUẢN LÀ LÀM GÌ?
Nội soi phế quản bằng ống soi quang học, mềm là một thủ thuật giúp bác sĩ nội soi kiểm tra đường thở của phổi. Nội soi phế quản quang học, mềm có thể là một phương tiện chẩn đoán (Để tìm hiểu thêm về một vấn đề mà người bệnh có trong phổi) hoặc điều trị bệnh.
III. NGƯỜI BỆNH CẦN CHUẨN BỊ GÌ CHO CUỘC NỘI SOI PHẾ QUẢN
A. Chuẩn bị trước nội soi.
- Xét nghiệm máu : đểđảm bảo là bạn không bị rối loạn đông máu. Chảy máu đôi khi có thể xảy ra sau khi nội soi phế quản, đặc biệt nếu lấy mẫu mô. Mang theo phim phổi hay CT scan ngực (để BS nội soi xem trước định vị tổn thương)
- Bệnh nhân được yêu cầu nhịn ăn tối thiểu 6 giờ trước khi nội soi và dừng uống nước trước 2 tiếng, (vì khi nội soi bệnh nhân sẽ được gây tê phế quản, nhịn ăn để tránh bị trào ngược, sặc thức ăn);
- Bạn có bị dịứng thuốc men hay không: cần cho bác sĩ biết, nếu bạn đã có các phản ứng dịứng hoặc biến chứng trước đó trong các thủ thuật y tế hoặc nha khoa. (Sợ bị dịứng thuốc tê)
- Nếu Bạn có bệnh nội khoa như:đái tháo đường, tim mạch, hen suyển, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thì cần báo trước để BS chuẩn bị trước cho bạn được an toàn trong cuộc nội soi phế quản (Không cấp cứu)
- Bác sĩ sẽ tiến hành các thăm khám lâm sàng với người bệnh nhằm biết được tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh lý hay các loại thuốc đang sử dụng. Với trường hợp người bệnh không đáp ứng được yêu cầu để thực hiện nội soi, bác sĩ sẽ tư vấn và đưa ra phương pháp chẩn đoán khác thích hợp hơn.
- Trước khi làm thủ thuật, bất kỳ răng giả nào hoặc các thiết bị tháo lắp khác (ví dụ: dụng cụ chỉnh nha) phải được lấy ra khỏi miệng.
B. Tiến hành nội soi phế quản ?
- Bệnh nhân sẽ được đặt vào tư thế thích hợp. Đầu giường sẽ được nâng cao giúp bệnh nhân có tư thế ngồi. Đầu của bệnh nhân sẽ được đặt ngửa ra sau như đang ngước nhìn trần nhà,
- Người bệnh được tiến hành gây tê bằng thuốc trước và trong quá trình nội soi phế quản. Bác sĩ sẽ xịt thuốc tê vào miệng và cổ họng của người bệnh để giúp giảm cảm giác khó chịu, buồn nôn
- Bác sĩ sẽ đưa một ống soi mềm qua lỗ mũi hoặc miệng của người bệnh và đi xuống phổi, ống soi phế quản sẽ giúp kiểm tra đường hô hấp của người bệnh và thực hiện những thủ thuật cần làm.
C. Điều gì xảy ra sau khi nội soi phế quản?
Sau khi nội soi phế quản, bạn sẽ được chăm sóc trong khu vực hồi phục, và tiếp tục nhịn ăn thêm 2 giờ đồng hồ cho đến khi hết tác dụng của thuốc tê trong hầu họng. (khoảng 1-2 giờ)
Nếu có bấm thịt khối u để lấy mẩu thử nghiệm thì BS theo dõi:
- Ho ra một ít máu sau thủ thuật. (Tỉ lệ này rất thấp)
- Tràn khí màng phổi (Hiếm khi xảy ra)
- Bạn sẽ được xuất viện khi mạch và nhịp thở, huyết áp ổn định
- Bạn sẽ được hẹn tái khám tại Bệnh viện để thảo luận về kết quả nội soi phế quản.
- Trong vài ngày đầu tiên, bạn có thể bị đau họng, ho và khàn giọng nhẹ. Điều này là bình thường. Tuy nhiên, bạn nên liên hệ với bác sĩ hoặc đến phòng cấp cứu nếu bạn bị đau ngực ngày càng tăng, khó thở hoặc nếu bạn ho ra máu hơn vài thìa cà phê.
------
Hotline: 02513.988.888 - 80034
BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC SHING MARK
1054 Quốc Lộ 51, P.Long Bình Tân, Tp.Biên Hòa, Đồng Nai