Sương mù cũng… gây hại
Đáng chú ý, hiện tượng này sẽ xảy ra từ 6-7 ngày trong tháng 9, tháng 10 hàng năm. Bác sĩ Trần Thị Mai, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Shingmark cho biết, sương mù này không do nhiệt độ ẩm gây ra, mà là một dạng ô nhiễm không khí, từ các chất thải, khói bụi. Các hạt bụi ở thể lỏng, rắn và có kích thước lớn, nhỏ khác nhau. Chúng sẽ xâm nhập vào hệ tuần hoàn, tùy theo kích thước của từng loại hạt bụi sẽ có những ảnh hưởng khác nhau đến sức khỏe con người.
Cụ thể, các hạt bụi lớn sẽ kích thích chảy nước mắt, sổ mũi. Còn các hạt nhỏ hơn sẽ đi vào phổi, gây kích ứng, viêm phế quản. Đặc biệt, những bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản, viêm phế quản mãn sẽ khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
Trong sương mù quang hóa sẽ có những hạt bụi siêu nhỏ, ở dạng lỏng hoặc rắn chứa chất độc hại. Chúng có khả năng xuyên qua hàng rào mao mạch phổi và đi vào hệ tuần hoàn, đi đến tim, hoặc não. Từ đó, hạt này làm những bệnh nhân mạch vành, suy tim sẽ nặng thêm. “Trẻ em hít phải các hạt này cùng sẽ chịu tác hại gấp đôi người lớn. Trẻ em ở môi trường ô nhiễm thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến chiều cao và bị bệnh mãn tính cao gấp 2 lần những trẻ khác”- bác sĩ Mai cho hay.
Bác sĩ Mai cũng khuyến cáo, trong khoảng thời giam xảy ra tình trạng sương mù quang hóa, phụ nữ có thai, người già, người bị bệnh mãn tính hoặc trẻ em cần hạn chế ra đường trong những ngày có sương mù dày đặc. Ngoài ra, những đối tượng này cũng cần phải ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều trái cây, uống nhiều nước để tăng sức đề kháng.
Ngoài ra, khi đi ra đường, người dân cũng cần phải đeo khẩu trang, mắt kính. Khẩu trang phải là loại chống bụi, dùng 1 lần rồi bỏ. Khi có triệu chứng bất thường, người dân cần đến cơ sở y tế khám và chữa trị.