MỤN CÓC SINH DỤC - BỆNH LÝ XÃ HỘI VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
Bài viết này sẽ đi sâu vào tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị và cách phòng ngừa căn bệnh này, nhằm nâng cao nhận thức và giúp mọi người bảo vệ sức khỏe bản thân.
1. Mụn cóc sinh dục là gì? Phân biệt mụn cóc sinh dục và sùi mào gà
Mụn cóc sinh dục là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, gây ra bởi các chủng virus Human Papillomavirus ( thường được biết đến với cái tên HPV). Bệnh thường biểu hiện dưới dạng các u nhú nhỏ, mềm, màu da hoặc hồng, xuất hiện ở vùng sinh dục, hậu môn hoặc các khu vực xung quanh.
Đối với nam giới, mụn cóc sinh dục có thể xuất hiện trên bề mặt dương vật, túi tinh hoàn, trong khi đó ở nữ giới, mụn cóc sinh dục ngoài xuất hiện ở vùng âm hộ, thì còn có thể mọc lên ở các khu vực có niêm mạc như âm đạo, cổ tử cung.
Trong một số trường hợp, mụn cóc sinh dục cũng có thể xuất hiện ở vùng miệng và cổ họng nếu bạn quan hệ tình dục đường miệng với người đang nhiễm bệnh.
Nhiều người thường nhầm lẫn giữa mụn cóc sinh dục và sùi mào gà, nguyên nhân là vì hai loại bệnh xã hội này đều gây ra bởi virus HPV và có biểu hiện dưới dạng u nhú. Tuy nhiên, đây là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau, được gây ra bởi các chủng khác nhau thuộc cùng nhóm virus HPV.
Sau đây là một số đặc điểm tương đồng và khác biệt giữa mụn cóc sinh dục
Điểm giống nhau:
• Nguyên nhân: Cả hai đều do virus HPV (Human Papillomavirus) gây ra.
• Vị trí: Xuất hiện chủ yếu ở vùng sinh dục, hậu môn và các khu vực có tiếp xúc niêm mạc.
• Biểu hiện: Đều gây ra các u nhú ở vùng da bị nhiễm.
• Lây truyền: Đều lây truyền qua đường tình dục, tiếp xúc trực tiếp với vùng da bị nhiễm.
• Nguy hiểm: Cả hai đều có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như ung thư cổ tử cung, hậu môn.
Điểm khác nhau:
Đặc điểm | Mụn cóc sinh dục | Sùi mào gà |
Biểu hiện | Các u nhú nhỏ, mềm, màu da hoặc hồng, bề mặt nhẵn. | Các u nhú có hình dạng giống súp lơ, màu hồng nhạt, bề mặt sần sùi. |
Kích thước | Thường nhỏ hơn, mọc riêng lẻ hoặc thành từng mảng nhỏ. | Thường lớn hơn, mọc thành từng cụm lớn, có thể gây ngứa, chảy máu. |
Vị trí | Ngoài vùng sinh dục, vùng da niêm mạc có tiếp xúc, thì còn có thể xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân. | Chủ yếu ở vùng sinh dục và hậu môn. |
Mụn cóc sinh dục có dạng u nhú màu da hoặc màu hồng
2. Mụn cóc sinh dục có nguy hiểm không?
Mụn cóc sinh dục, mặc dù không gây tử vong ngay lập tức, nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, cụ thể:
• Ung thư: Một số chủng virus HPV gây mụn cóc sinh dục có khả năng biến đổi tế bào, dẫn đến ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn, thậm chí là ung thư miệng và họng.
• Ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản: Mụn cóc sinh dục có thể gây viêm nhiễm vùng sinh dục, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ. Ở phụ nữ mang thai, mụn cóc sinh dục có thể gây ra các biến chứng như nhiễm trùng ối, sinh non, thai ngoài tử cung, đồng thời gia tăng nguy cơ bị sảy thai.
• Tâm lý: Người bệnh thường cảm thấy tự ti, lo lắng, ảnh hưởng đến đời sống tình dục và các mối quan hệ xã hội.
• Lan rộng: Nếu không được điều trị, mụn cóc sinh dục có thể tự lan rộng hoặc lây nhiễm cho người khác qua đường tình dục.
• Khó điều trị dứt điểm: Một số trường hợp, mụn cóc sinh dục có thể tái phát sau khi điều trị và trở thành một căn bệnh dai dẳng đeo bám người bệnh
Các yếu tố nguy hiểm khác:
• Hệ miễn dịch suy yếu: Những người có hệ miễn dịch suy yếu, như người nhiễm HIV/AIDS, người dùng thuốc ức chế miễn dịch, có nguy cơ mắc các biến chứng nặng hơn.
• Nhiễm trùng thứ phát: Việc gãi hoặc cọ xát vào các nốt mụn có thể gây ra vết thương hở, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng.
• Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Mụn cóc sinh dục gây ra nhiều khó chịu, đau rát, ngứa ngáy, ảnh hưởng đến đời sống tình dục và tâm lý của người bệnh.
3. Nguyên nhân và con đường lây nhiễm của mụn cóc sinh dục
Như đã nói ở trên, nguyên nhân gây ra mụn cóc sinh dục chính là một virus HPV. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng HPV là tên khoa học được chỉ chung cho các chủng virus gây u nhú ở người. Vậy nên chỉ một số chủng HPV đặc thù mới gây ra mụn cóc sinh dục. Ngoài ra, trong số những virus gây mụn cócsinh dục, lại có những chủng có khả năng khiến bệnh có nguy cơ diễn tiến thành ung thư cao hơn một số chủng khác.
Mụn cóc sinh dục lây truyền chủ yếu qua đường tình dục. Các hình thức lây truyền phổ biến bao gồm:
• Quan hệ tình dục không an toàn: Đây là con đường lây nhiễm phổ biến nhất. Việc quan hệ tình dục bằng miệng, âm đạo hoặc hậu môn với người nhiễm virus HPV đều có thể làm lây lan bệnh.
Tiếp xúc trực tiếp với vùng da hoặc niêm mạc bị nhiễm: Việc chạm vào mụn cóc hoặc vùng da bị nhiễm virus HPV cũng có thể làm lây bệnh, đặc biệt là khi có vết thương hở.
• Sử dụng chung đồ dùng cá nhân: Việc sử dụng chung đồ dùng cá nhân như khăn tắm, khăn mặt, đồ lót với người bị nhiễm bệnh cũng có thể là nguyên nhân lây nhiễm.
• Từ mẹ sang con: Trong quá trình sinh nở, trẻ sơ sinh có thể bị lây nhiễm virus HPV từ mẹ nếu người mẹ bị nhiễm bệnh.
Với những con đường lây truyền trên thì chúng ta có thể xác định một số nhóm đối tượng sẽ có yếu tố nguy cơ cao đối với bệnh lý mụn cóc sinh dục:
• Nhiều bạn tình: Người có nhiều bạn tình có nguy cơ lây nhiễm cao hơn.
• Hệ miễn dịch suy yếu: Người có hệ miễn dịch suy yếu, như người nhiễm HIV/AIDS, người dùng thuốc ức chế miễn dịch, dễ bị nhiễm bệnh và bệnh tiến triển nặng hơn.
• Quan hệ tình dục thiếu hiểu biết: Người trẻ tuổi có hoạt động tình dục sớm có nguy cơ cao hơn.
• Vết thương hở ở vùng sinh dục: Các vết thương hở tạo điều kiện thuận lợi cho virus xâm nhập vào cơ thể.
4. Tiến triển bệnh và những dấu hiệu nhận biết
Mụn cóc sinh dục thường được chia làm ba giai đoạn diễn tiến bệnh, mỗi giai đoạn sẽ có những dấu hiệu đặc trưng để nhận biết.
• Giai đoạn 1: Trong vòng 01 tháng đầu tiên bị lây nhiễm
- Tùy theo thể trạng của mỗi người, mà những dấu hiệu đầu tiên của mụn cóc sinh dục sẽ xuất hiện từ sau vài ngày hoặc vài tuần kể từ khi bị lây nhiệm. Giai đoạn này gọi là giai đoạn ủ bệnh.
- Khi bắt đầu phát ra ngoài, mụn cóc sinh dục sẽ chỉ là những vết phồng rộp nhỏ hoặc nốt mụn bé có màu da, đây là những dấu hiệu khá khó phát hiện nếu chỉ nhìn bằng mắt thường, tuy nhiên khi sờ lên có thể thấy sự sần sùi.
- Từ sau khi khởi phát, tùy cơ địa mỗi người và tùy chủng HPV mà nốt mụn có thể gây ngứa đau hoặc không, tuy nhiên mụn sẽ có khuynh hướng to dần và lan ra các vị trí xung quanh.
Việc phát hiện mụn cóc sinh dục ở giai đoạn đầu sẽ có tác dụng vô cùng tích cực đối với kết quả điều trị. Vì vậy, nếu bạn nhận thấy những dấu hiệu trên, hãy nhanh chóng tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và đưa ra phác đồ điều trị sớm nhất có thể.
• Giai đoạn 2: (1 - 6 tháng sau khi bị lây nhiễm)
- Mụn cóc sẽ lồi hẳn lên khỏi bề mặt da, giống như những nốt mụn thịt, có màu da hoặc chuyển sang màu hồng nhạt.
- Mụn cóc lúc này thường sẽ gây ngứa, đau, nếu cọ xát hoặc gãi quá mạnh, mụn cóccó thể bị vỡ, tiết dịch hoặc chảy máu.
- Trong giai đoạn này, nếu mụn cóc mọc trong âm đạo, niệu đạo, hậu môn,... thì có thể gây khó chịu, kể cả khi không tiểu tiện, đại tiện và quan hệ tình dục. Tốc độ lan của mụn cóc trong giai đoạn này cũng nhanh hơn hẳn, mụn vẫn mọc riêng lẻ, nhưng sẽ tập trung thành từng mảng.
• Giai đoạn 3: Giai đoạn biến chứng
- Khi mụn cóc sinh dục không được điều trị kịp thời và đúng phác đồ, chúng có khả năng sẽ diễn tiến nhanh chóng và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như ảnh hưởng chức năng sinh sản (tạm thời hoặc vĩnh viễn),các loại ung thư.
5. Những biện pháp phòng ngừa hiệu quả mụn cóc sinh dục
• Tiêm vaccine HPV
- Hiệu quả cao: Đây là cách phòng ngừa tốt nhất và hiệu quả nhất. Vaccine HPV giúp cơ thể tạo ra kháng thể chống lại virus HPV, giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Đối tượng: Có thể tiêm cho cả nam lẫn nữ trong độ tuổi từ 9 - 45 tuổi.
- Loại vaccine: Gardasil 4 (phòng ngừa 4 chủng HPV nguy cơ cao) và Gardasil 9 (phòng ngừa 9 chủng HPV nguy cơ cao) đang là hai loại vaccine được sản xuất tại Mỹ và khá phổ biến hiện nay.
• Quan hệ tình dục an toàn
- Sử dụng bao cao su: Bao cao su giúp giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp với các vùng da hoặc niêm mạc bị nhiễm bệnh, từ đó giúp giảm nguy cơ lây nhiễm.
- Hạn chế số lượng bạn tình: Quan hệ tình dục 1:1 được xem là biện pháp hiệu quả để kiểm soát nguy cơ lây truyền các bệnh lý xã hội nói chung.
- Khám sức khỏe định kỳ: Cả nam và nữ nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
• Vệ sinh cá nhân sạch sẽ
- Vùng sinh dục: Vệ sinh vùng sinh dục hàng ngày bằng nước sạch, chú ý chỉ nên vệ sinh vùng ngoài, không nên chọc rửa sâu khi không có chỉ định y khoa.
- Đồ lót: Nên mặc quần lót bằng chất liệu cotton, thoáng mát, quần lót nên được thay giặt hằng ngày và phơi ở nơi có nắng. Lưu ý thay mới quần lót định kỳ (Trung bình 03 tháng thay một lần).
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân: Tránh tối đa việc dùng chung khăn tắm, khăn mặt, đồ lót với người khác.
• Tránh tiếp xúc trực tiếp với vùng da bị tổn thương
- Không chạm vào mụn cóc: Tránh chạm vào mụn cóc của bản thân hoặc người khác để tránh bị lây nhiễm.
- Bảo vệ vết thương: Nếu có vết thương hở ở vùng sinh dục,cần đặc biệt chú ý vấn đề vệ sinh, làm sạch vết thương, đồng thời không quan hệ tình dục khi vết thương chưa lành hẳn..
• Xây dựng lối sống lành mạnh
- Chế độ ăn uống: Ăn uống đủ chất, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
- Tập luyện thể dục: Tập thể dục đều đặn giúp tăng cường sức khỏe tổng thể.
- Giữ tinh thần thoải mái: Stress có thể làm giảm sức đề kháng, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Lưu ý:
- Phát hiện sớm: Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở vùng sinh dục, hãy đến gặp bác sĩ để được khám và tư vấn càng sớm càng tốt.
- Điều trị kịp thời: Nếu đã mắc bệnh, cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để tránh biến chứng.
Mụn có sinh dục nhìn chung được xếp vào bệnh lý lành tính, không gây nguy hiểm cho tính mạng, tuy nhiên cũng như các bệnh lý xã hội khác, chúng mang lại sự khó chịu, mặc cảm, tự ti và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và tâm lý của người bệnh.
Không chỉ vậy, nếu coi nhẹ và không điều trị kịp thời, mụn cóc sinh dục có thể trở thành nguồn căn cho những biến chứng khác nguy hiểm hơn rất nhiều về sau. Vậy nên, mỗi chúng ta cần nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản để có thể bảo vệ tốt sức khỏe của bản thân đồng thời thể hiện trách nhiệm đến với cộng đồng.
BS CKII Trương Quốc Chương và cộng sự (trợ lý).
Tài liệu tham khảo:
- Sách giáo khoa: Sản phụ khoa
- Sách giáo khoa: Bệnh lý lây truyền STD