VIÊM HỌNG LIÊN CẦU LÀ BỆNH GÌ, CHỮA TRỊ RA SAO?
Hỏi: Cách đây 2 ngày, con tôi 6 tuổi bị phát ban đỏ rải rác, ngứa. Bé mệt, chán ăn, buồn nôn. Tôi đi khám thì bác sĩ nói bé bị viêm họng do liên cầu. Vậy bệnh này có nguy hiểm không bác sĩ ạ? Có dễ chữa không?
Trả lời: Chào anh!
Viêm họng do liên cầu là bệnh thường gặp ở trẻ em, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Thực tế, từ sau dịp Tết Nguyên đán 2024, tại phòng khám nhi, Bệnh viện đại học Y dược Shing Mark, chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp trẻ em bị viêm họng do liên cầu, một số trường hợp bệnh nặng cần nhập viện điều trị.
Viêm họng do liên cầu là tình trạng nhiễm trùng vùng họng, amidan do liên cầu khuẩn gây ra, đây là vi khuẩn Streptococcus nhóm A. Mặc dù bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là ở trẻ em từ 5-15 tuổi.
- Mức độ nguy hiểm của viêm họng do liên cầu
Viêm họng do liên cầu là bệnh nhiễm trùng rất dễ lây lan. Bệnh thường lây qua tiếp xúc, các giọt nhỏ đường hô hấp, dịch mũi, đồ dùng cá nhân… Vi khuẩn có thể tồn tại nhiều giờ ngoài không khí, vì vậy, ở những nơi đông người có nguy cơ mắc bệnh cao, đặc biệt là những nơi có không khí ẩm thấp, môi trường ô nhiễm.
Viêm họng do liên cầu có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi, viêm màng não, viêm cầu thận và viêm khớp... Trong đó, viêm cầu thận và viêm khớp là những biến chứng nguy hiểm thường gặp sau những đợt nhiễm trùng do liên cầu khuẩn, để lại nhiều biến chứng kéo dài về sau.
- Triệu chứng điển hình của viêm họng do liên cầu gồm:
+ Sốt cao đột ngột
+ Đau họng, cảm giác rát họng khi ăn, uống
+ Phát ban đỏ rải rác, ngứa
+ Bé quấy khóc, mệt, chán ăn, buồn nôn
+ Đau đầu, đau nhức toàn thân
- Phòng ngừa bệnh viêm họng do liên cầu:
Bước phòng ngừa quan trọng nhất trong bệnh viêm họng do liên cầu là ngăn chặn sự lây lan giữa người sang người. Các bước đơn giản giúp ngăn ngừa sự lây lan gồm:
+ Hạn chế cho trẻ đến nơi đông người. Cần cho trẻ đeo khẩu trang khi ra ngoài và tránh tiếp xúc với người đang bị bệnh
+ Rửa tay thường xuyên, súc miệng bằng nước muối nhiều lần trong ngày
+ Tập cho trẻ che miệng, mũi khi ho, hắt hơi
+ Không dùng chung thức ăn, vật dụng cá nhân với người bệnh
Ngoài ra, chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học sẽ giúp trẻ tăng sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch như: uống nhiều nước lọc, ăn nhiều rau, không để trẻ tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi.
Thân ái!
BS.CKII. Trần Ngọc Huy,
Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark
- 1054 Quốc Lộ 51, P. Long Bình Tân, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai
- Hotline: 02513.988.888 - 0859 488 888
- Fanpage: https://www.facebook.com/shingmarkhospital
- Website: http://shingmarkhospital.com.vn