Logo
VÌ SAO TẦM SOÁT UNG THƯ CỔ TỬ CUNG RẤT QUAN TRỌNG?

VÌ SAO TẦM SOÁT UNG THƯ CỔ TỬ CUNG RẤT QUAN TRỌNG?

Ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư phổ biến hàng đầu ở phụ nữ với tỉ lệ tử vong cao. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO),mỗi năm trên thế giới có trên 5000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung và khoảng 250000 ca tử vong do ung thư cổ tử cung. Tại Việt Nam trung bình mỗi ngày có khoảng 14 ca mắc mới, trong đó có 7 ca tử vong do ung thư cổ tử cung.

Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung:

Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung là do nhiễm HPV- Human Papilloma Virus (các chủng nguy cơ cao),trong đó 2 chủng 16 và 18 là thủ phạm gây ra 70% trường hợp ung thư cổ tử cung. Virus này xâm nhập và gây ra những biến đổi bất thường ở tế bào cổ tử cung. Ngoài cổ tử cung chúng còn có khả năng gây ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn và hầu họng.

HPV lây từ người sang người thông qua hoạt động tình dục. Những phụ nữ có hoạt động tình dục đều có nguy cơ nhiễm HPV. Khoảng 80% phụ nữ nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời. Điều lưu ý là nhiễm HPV thường không có triệu chứng và phần lớn tự khỏi. Một số trường hợp nhiễm HPV chủng nguy cơ cao trong thời gian dài dẫn đến tế bào biến đổi nặng, tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.

Ung thư cổ tử cung hình thành như thế nào?

Ung thư cổ tử cung xảy ra khi tế bào cổ tử cung biến đổi bất thường và phát triển không kiểm soát theo thời gian. Các tế bào ung thư có xu hướng xâm lấn sâu vào cổ tử cung, những trường hợp muộn tế bào ung thư có thể lan tràn đến các cơ quan khác của cơ thể.

Tầm soát ung thư cổ tử cung là gì?

Tầm soát ung thư cổ tử cung là tìm những tế bào biến đổi bất thường ở cổ tử cung, có khả năng phát triển thành ung thư. Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung bao gồm xét nghiệm tế bào cổ tử cung (PAP test, hay PAP smear) và xét nghiệm HPV.

Vì sao tầm soát ung thư cổ tử cung rất quan trọng?

Thông thường khi tế bào cổ tử cung biến đổi bất thường sẽ mất 3 đến 7 năm để phát triển thành ung thư. Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung giúp phát hiện sớm những biến đổi này trước khi nó trở thành ung thư. Những phụ nữ có tế bào cổ tử cung biến đổi nhẹ có thể được theo dõi đến khi trở về bình thường. Trường hợp biến đổi nặng sẽ được can thiệp điều trị kịp thời.

Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung được thực hiện như thế nào?

Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung, bao gồm cả PAP test và xét nghiệm HPV đều được thực hiện trên cổ tử cung. Bạn được hướng dẫn nằm lên bàn khám phụ khoa, bác sĩ bộc lộ cổ tử cung bằng cách đặt mỏ vịt vào âm đạo. Các tế bào được lấy bằng một bàn chải nhỏ, không gây đau hay bất kỳ khó chịu nào. Sau đó các tế bào này sẽ được đặt vào một dung dịch đặc biệt gửi đến phòng xét nghiệm.

­         Đối với PAP test: mẫu tế bào sẽ được quan sát dưới kinh hiển vi xem có xuất hiện tế bào bất thường không.

­         Đối với xét nghiệm HPV: mẫu tế bào sẽ được kiểm tra xem liệu có hiện diện các chủng nguy cơ cao thường gặp không.

Để xét nghiệm được chính xác, bạn nên tránh đụng chạm, giao hợp và tránh sử dụng thuốc đặt âm đạo trong vòng 2 ngày trước khi làm xét nghiệm. Bạn cũng không nên xét nghiệm vào thời gian kinh nguyệt.

Tần suất làm xét nghiệm thay đổi tùy vào độ tuổi, kết quả xét nghiệm trước đó, loại xét nghiệm được làm. Có thể bắt đầu tầm soát từ độ tuổi 21 nếu người phụ nữ đã có hoạt động tình dục

--------------------------------------------

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số 02513 988 888. Ngoài ra, Quý khách có thể Đăng ký tư vấn từ xa TẠI ĐÂY

-------------------------------------------

BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC SHING MARK

Hotline: 02513.988.888 - 80034

1054 Quốc Lộ 51, P.Long Bình Tân, Tp.Biên Hòa, Đồng Nai

FaceBook: https://www.facebook.com/shingmarkhospital

Sức Khỏe của bạn - Trách nhiệm của chúng tôi

Các tin khác