Logo
UNG THƯ PHỔI VÀ THUỐC LÁ: GÓC NHÌN TỪ BÁC SĨ NGOẠI LỒNG NGỰC

UNG THƯ PHỔI VÀ THUỐC LÁ: GÓC NHÌN TỪ BÁC SĨ NGOẠI LỒNG NGỰC

Hút thuốc lá vẫn là một thói quen phổ biến dù đã được chứng minh là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, trong đó có ung thư phổi, một căn bệnh đe dọa tính mạng hàng đầu tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Tỷ lệ mắc bệnh ở những người hút thuốc lá cao gấp nhiều lần so với những người không hút.

Ung thư phổi là gì?

     Ung thư phổi là căn bệnh phát triển từ sự tích tụ của các tế bào ung thư trong phổi, dẫn đến sự hình thành khối u và lan rộng đến các cơ quan khác. Nếu người bệnh không được điều trị đúng cách, các tế bào ung thư này có thể lan ra ngoài phổi đến các cơ quan khác của cơ thể, quá trình này gọi là di căn. Theo thống kê từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN),ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến đứng thứ hai trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Năm 2020, có 26.262 trường hợp ung thư phổi ghi nhận được tại Việt Nam với con số tử vong lên đến 23.797 trường hợp. Chính vì thế, việc phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ góp phần làm giảm những ảnh hưởng của bệnh lý này lên sức khỏe của người bệnh.

Hút thuốc lá ảnh hưởng đến phổi như thế nào?

    Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư phổi. lá. Khoảng 85-90% trường hợp ung thư phổi ở người lớn liên quan trực tiếp đến việc hút thuốc. Các chất độc hại trong thuốc lá như nicotine, tar và nhiều hợp chất khác đã được chứng minh là gây tổn thương DNA phế quản, dẫn đến sự phát triển của tế bào ung thư. Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi do hút thuốc lá tăng theo số lượng thuốc lá hút mỗi ngày và số năm hút thuốc. Người hút thuốc lá nặng, hút trên 20 điếu/ngày và hút lâu năm và trên 30 năm sẽ có khả năng mắc bệnh cao hơn gấp 20-30 lần so với người không hút thuốc.

     Theo ThS.BS Quản Minh Trị - Chuyên khoa Ngoại Lồng ngực mạch máu, đa số các trường hợp đều là người hút thuốc lá hoặc có người thân hút thuốc lá. Trong quá trình phẫu thuật, lá phổi của người hút thuốc biểu hiện đen và ám màu khói thuốc rất kinh khủng. Việc điều trị sau phẫu thuật cũng rất khó khăn đối với những người trước phẫu thuật có hút thuốc. Những người này có xu hướng dễ bị viêm phổi và xảy ra các biến chứng hơn rất nhiều.

     Bên cạnh việc hút thuốc lá truyền thống, hiện nay nhiều người chuyển sang sử dụng thuốc lá điện tử với niềm tin rằng nó an toàn hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, các bác sĩ điều trị đã từng gặp nhiều người bệnh nghĩ rằng việc sử dụng thuốc lá điện tử sẽ giúp họ cai nghiện thuốc lá hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh, nhưng điều này không hoàn toàn đúng. Thuốc lá điện tử vẫn chứa nicotine và nhiều hóa chất độc hại khác. Mặc dù lượng chất độc có thể ít hơn so với thuốc lá truyền thống, nhưng những chất như formaldehyde, acetaldehyde và các hạt kim loại từ thiết bị điện tử cũng có khả năng làm tổn hại đến tế bào phổi. Điều này đặc biệt nguy hiểm cho những người đã hút thuốc lá truyền thống trước đó, khiến phổi của họ vốn đã tổn thương trở nên yếu hơn.  Một số người bệnh ung thư phổi từng sử dụng kết hợp cả hai loại thuốc lá, và việc này không giúp ích trong việc phòng ngừa bệnh mà ngược lại còn làm phức tạp thêm quá trình điều trị”, bác sĩ Trị cho biết thêm.

     Vì vậy, việc chuyển sang thuốc lá điện tử không phải là giải pháp an toàn như nhiều người lầm tưởng. Thay vì thay đổi hình thức hút thuốc, tốt nhất vẫn là từ bỏ hoàn toàn để giảm thiểu tối đa nguy cơ đối với sức khỏe.

Thách thức lớn trong quá trình điều trị ung thư phổi đối với người có hút thuốc

     Trong quá trình điều trị ung thư phổi, các phương pháp chính bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và liệu pháp nhắm trúng đích. Phẫu thuật thường được áp dụng khi khối u còn ở giai đoạn sớm và chưa lan rộng, cho phép loại bỏ hoàn toàn phần phổi bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhiều người bệnh hút thuốc lá lâu năm thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, khiến phẫu thuật trở nên phức tạp hoặc không khả thi. Hóa trị và xạ trị được sử dụng để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc kiểm soát sự phát triển của khối u. Tuy nhiên, những phương pháp này thường đi kèm với các tác dụng phụ như mệt mỏi, buồn nôn, suy giảm miễn dịch, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

     Thách thức lớn nhất mà các bác sĩ ngoại lồng ngực thường phải đối mặt là tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh đã bị suy yếu do thói quen hút thuốc kéo dài. Chức năng phổi giảm, các bệnh lý tim mạch và hô hấp đi kèm làm tăng nguy cơ biến chứng trong quá trình điều trị. Việc người bệnh tiếp tục hút thuốc trong khi điều trị cũng làm giảm hiệu quả của các phương pháp và tăng khả năng tái phát. Ngoài ra, tâm lý lo lắng, chán nản và thiếu sự hỗ trợ từ gia đình cũng ảnh hưởng đến tinh thần và ý chí chiến đấu với bệnh tật của họ. Điều này đòi hỏi các bác sĩ chúng tôi không chỉ tập trung vào điều trị y khoa mà còn phải hỗ trợ về mặt tâm lý và khuyến khích người bệnh thay đổi lối sống để cải thiện kết quả điều trị.

Lời khuyên dành cho người đang hút thuốc lá

     Hút thuốc lá khiến phổi của chúng ta chịu tổn thương từng ngày. Mỗi lần chúng ta hít vào một hơi thuốc lá, phổi của chúng ta đang chịu thêm một lần tổn thương. Đừng chờ đến khi các triệu chứng ung thư phổi xuất hiện như ho dai dẳng, khó thở hay đau ngực mới nhận ra nguy hiểm. Bỏ thuốc ngay từ bây giờ là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của chúng ta. “Nhiều người bệnh của tôi, khi biết đã mắc ung thư phổi, đều nói rằng họ ước mình bỏ thuốc sớm hơn.” bác sĩ Quản Minh Trị cho hay.

     Không chỉ bản thân người hút mới bị ảnh hưởng, mà cả những người xung quanh chúng ta, đặc biệt là người thân trong gia đình cũng phải chịu tác động từ khói thuốc thụ động. Trong 20 năm hành nghề, bác sĩ Trị gặp nhiều trường hợp người thân của người hút thuốc mắc bệnh hô hấp nặng. Việc là một quá trình dài và không dễ dàng đòi hỏi chúng ta phải kiên trì. Nhưng có rất nhiều nguồn hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và các tổ chức y tế. Đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ khi bạn quyết định từ bỏ thói quen này. Không nhất thiết phải bỏ hút thuốc một cách đột ngột. Hãy bắt đầu giảm dần lượng thuốc hút mỗi ngày, rồi thay thế bằng những hoạt động tích cực hơn khi cảm thấy thèm thuốc. “Có người bệnh của tôi từng thành công khi chỉ cần đi bộ mỗi khi cơn thèm thuốc xuất hiện,” bác sĩ Trị Trị chia sẽ thêm. Hiện nay có nhiều biện pháp hỗ trợ như miếng dán nicotine và thuốc hỗ trợ cai nghiện. Cùng với việc cai thuốc, hãy tập trung vào chế độ dinh dưỡng lành mạnh và tập thể dục đều đặn để tăng cường sức khỏe tổng thể và hỗ trợ quá trình hồi phục phổi. Một thay đổi nhỏ nhưng đều đặn có thể mang lại hiệu quả lâu dài.

 BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC SHING MARK

Các tin khác