Logo
TÌNH HÌNH BỆNH TAY CHÂN MIỆNG 2024

TÌNH HÌNH BỆNH TAY CHÂN MIỆNG 2024

Bệnh tay chân miệng là một bệnh lý dễ lây lan nhất là trong giai đoạn chuyển mùa. Đối tượng thường dễ mắc bệnh là trẻ em vì sức đề kháng của trẻ

Số ca mắc bệnh Tay chân miệng đang gia tăng trên cả nước. Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 3 tháng đầu năm 2024, cả nước đã ghi nhận 10.196 trường hợp mắc bệnh Tay chân miệng (tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, các tỉnh khu vực phía Nam có trên 7.500 ca (chiếm 74,1% tổng số ca của cả nước),tiếp đến là miền Bắc có trên 1.300 ca, miền Trung có 1.000 ca và khu vực Tây Nguyên ghi nhận số ca mắc ít nhất với 200 ca.

Tại Hà Nội: theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca bệnh Tay chân miệng đang gia tăng trong 3 tuần liên tiếp vừa qua. 

Tại Đà Nẵng: theo CDC Đà Nẵng, tính trong ba tháng đầu năm 2024 và tuần đầu tiên của tháng 4-2024, TP Đà Nẵng ghi nhận 244 trường hợp mắc bệnh Tay chân miệng. Số ca mắc tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại TP. HCM: ghi nhận 1.765 ca mắc bệnh Tay chân miệng, tăng 760 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Trên 90% trường hợp mắc bệnh Tay chân miệng là trẻ dưới 5 tuổi.

Số trường hợp bệnh Tay Chân Miệng gia tăng trên tất cả các nhóm tuổi, trong đó, tăng cao nhất là độ tuổi trẻ em dưới 5 tuổi, bệnh ghi nhận chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non. Do đó, nguy cơ lây lan bệnh Tay chân miệng rất cao nếu các trường học, đặc biệt là các cơ sở mầm non, nhóm trẻ gia đình không thực hiện triệt để các khuyến cáo phòng bệnh của ngành Y tế.

Bệnh Tay chân miệng xảy ra quanh năm, tăng cao vào khoảng tháng 3, tháng 4 và tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.

Vậy bệnh tay chân miệng là gì?

     Bệnh Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus đường ruột thuộc nhóm Coxsackieviruses và Enterovirus 71 (EV71) gây ra. Biểu hiện chính là tổn thương da niêm dưới dạng bóng nước ở các vị trí đặc biệt như miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Bệnh Tay chân miệng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

Triệu chứng bệnh tay chân miệng

  • Trẻ em khi bị nhiễm bệnh Tay Chân Miệng sẽ bị sốt, mệt mỏi, biếng ăn, đau họng và quấy khóc.
  • Xuất hiện bóng nước và vết loét trong họng.
  • Phát ban bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, quanh miệng hoặc mông.
  • Tiêu chảy, nôn ói

     Bố mẹ cần lưu ý, khi bé có các dấu hiệu nặng dưới đây, cần phải đưa bé nhập viện ngay:

  • Sốt cao khó hạ
  • Giật mình chới với
  • Run tay chân
  • Co giật, ngủ gà 

Phòng bệnh tay chân miệng cho bé

     Bệnh Tay chân miệng lây lan rất nhanh qua tiếp xúc, vì vậy bố mẹ cần có những biện pháp để bảo vệ con mình khỏi nguy cơ mắc bệnh Tay chân miệng:

  • Tránh tiếp xúc với người bệnh
  • Che miệng khi ho hoặc hắt hơi
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng
  • Rửa sạch các vật dụng bẩn (đồ chơi, bộ bát ăn, đồ ngủ của bé)
  • Hạn chế đưa tay lên mặt
  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho bé.
  • Nếu bé đã mắc bệnh, nên cho bé điều trị cho đến khi hoàn toàn khỏi bệnh, tránh tiếp xúc với bé khác.

     Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh Tay chân miệng nên bản thân mỗi người cần thực hiện đủ các biện pháp phòng tránh để bảo vệ bản thân và con em chúng ta.

     Khi bé có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ bệnh Tay chân miệng, bố mẹ nên đưa bé đến bệnh viện  để các bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị sớm cho bé, tránh các biến chứng nặng của bệnh Tay chân miệng.

     
      BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC SHING MARK

 

Các tin khác