Logo
THIẾU VI CHẤT Ở TRẺ EM

THIẾU VI CHẤT Ở TRẺ EM

Thiếu vi chất là tình trạng hay gặp ở trẻ nhỏ, điều này ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ trong tương lai.

Ngày nay, với sự phát triển kinh tế và xã hội tại Việt Nam thì tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em ngày càng giảm. Tuy nhiên, để trẻ có sự phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ thì cải thiện về tình trạng suy dinh dưỡng là chưa đủ mà cần có sự cân bằng giữa các yếu tố dinh dưỡng và vi chất. Theo các nghiên cứu, tỉ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em tại Việt Nam vẫn còn khá cao. Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỉ lệ thiếu kẽm lên đến 60% ở trẻ em dưới 5 tuổi, và cứ 3 trẻ có 1 trẻ thiếu sắt. Theo Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế (năm 2023),nghiên cứu khảo sát tình trạng dinh dưỡng khu vực Đông Nam Á (SEANUTS) chỉ ra rằng bữa ăn của trẻ em Việt Nam mới đáp ứng đủ 50% nhu cầu về vi chất dinh dưỡng hàng ngày. Vậy, vi chất dinh dưỡng là gì và làm sao để trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ?

Vi chất dinh dưỡng là gì?

Vi chất dinh dưỡng là thuật ngữ dùng để chỉ các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Chúng vai trò sản xuất năng lượng, cải thiện miễn dịch, hỗ trợ quá trình đông máu và tăng cường sức khỏe hệ xương, cần cho sự tăng trưởng của cơ thể và một số quá trình khác. Tuy lượng vi chất dinh dưỡng mà cơ thể cần không lớn nhưng sự thiếu hụt vi chất có thể gây ra những ảnh hưởng lớn về thể chất và trí tuệ. Vi chất dinh dưỡng là một thành phần không thể thiếu cho sức khỏe và quá trình phát triển toàn diện của cơ thể.

Vi chất dinh dưỡng được chia làm 2 nhóm là nhóm khoáng chất bao gồm sắt, kẽm, canxi, phốt pho, đồng, iod, selen, ... và nhóm vitamin như vitamin A, B, C, D, E, ...

Cơ thể không thể tự tổng hợp được các vi chất dinh dưỡng mà phải bổ sung từ khẩu phần ăn hàng ngày. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân mà trẻ có thể không nhận đủ hoặc không cân bằng vi chất dinh dưỡng cần thiết đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Hậu quả của thiếu vi chất dinh dưỡng

  • Thiếu vitamin A: bệnh về mắt, răng mọc chậm, trẻ chậm lớn, hay ốm vặt, đề kháng kém,...
  • Thiếu vitamin D và Canxi: còi xương, chậm mọc răng, loãng xương, chân vòng kiềng,...
  • Thiếu sắt: gây thiếu máu, mắc bệnh đường hô hấp, nhiễm khuẩn,...
  • Thiếu i-ốt: bướu cổ, chậm phát triển, thiểu năng,...
  • Thiếu kẽm: thấp còi, suy dinh dưỡng, vết thương lâu lành, hay ốm vặt,...
  • Thiếu magie: gây co thắt cơ, chuột rút, ảnh hưởng đến tim mạch, đặc biệt ảnh hưởng đến hành vi của trẻ (như buồn bã, cáu kỉnh, khó tập trung, mất ngủ…)
  • Thiếu Phospho: gây loãng xương, đau nhức, giảm phát triển hệ xương khớp, giảm sức đề kháng cơ thể.
  • Thiếu điện giải (natri, kali, clor,...) gây mất cân bằng cơ thể, mất ổn định các hệ cơ quan chức năng chung của cơ thể.
  • Thiếu Omega - 3, 6, 9: gặp các vấn đề về thị lực và thần kinh.
  • Thiếu vitamin C: giảm đề kháng, hay bị chảy máu chân răng, mệt mỏi,...
  • Thiếu vitamin B1, B2: lười ăn, sưng phù, tiêu hóa kém,...
  • Thiếu vitamin B12: gây thiếu máu, rối loạn thần kinh như kích thích, ảo giác, giảm trí nhớ…

Phát hiện trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng

Sự thiếu hụt hay thừa vi chất dinh dưỡng diễn biến âm thầm bên trong cơ thể trước khi xuất hiện dấu hiệu cảnh báo lâm sàng. Vì thế, để phát hiện chính xác tình trạng thiếu/thừa vi chất dinh dưỡng ba mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm vi chất.

Sau khi có kết quả xét nghiệm và dựa vào các dấu hiệu lâm sàng, bác sĩ sẽ tư vấn về tình trạng thiếu/thừa vi chất dinh dưỡng của bé và phác đồ bổ sung vi chất phù hợp.

Tại Bệnh viện ĐHYD Shing Mark có đầy đủ Bác sĩ chuyên khoa và các xét nghiệm để định lượng vi chất. Phụ huynh nên đưa trẻ đến khám tổng quát và xét nghiệm đánh giá tình trạng dinh dưỡng để đảm bảo sự phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ.

Bác sĩ CKII Trần Ngọc Huy - Trưởng Khoa Nhi

     
      BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC SHING MARK

 

Các tin khác