SUY TIM VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT?
1. ĐỊNH NGHĨA
Suy tim là tình trạng tim bị suy giảm khả năng bơm máu. Điều này khiến máu bị ứ trệ, không di chuyển đến được các cơ quan, dẫn đến các cơ quan trong cơ thể không nhận được lượng máu cần thiết để hoạt động. Cuối cùng có thể dẫn đến các triệu chứng, chẳng hạn như phù, khó thở, cảm thấy mệt mỏi…
2. TRIỆU CHỨNG
Suy tim bao gồm 1 trong những triệu chứng sau đây:
Khó thở: Khó thở có thể xuất hiện khi người bệnh hoạt động hoặc thậm chí khi nghỉ ngơi. Đây là kết quả của sự suy giảm khả năng bơm máu của tim, máu ứ lại dẫn đến tăng áp lực trong mao mạch phổi. Đây là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của suy tim, nếu không được điều trị có thể gây phù phổi, nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.
Phù chân và bàn chân: Suy tim có thể dẫn đến sự tích tụ nước trong cơ thể, thường gây ra sưng ở các vùng như chân, bàn chân đầu tiên, người bệnh dễ nhận thấy nặng chân, mang vớ hay mang dép chật hơn.
Tăng cân đột ngột: Sự tích tụ nước có thể dẫn đến tăng cân đột ngột, thường đi kèm với phù chân.
Đau ngực: Đau ngực có thể xảy ra khi tim không nhận đủ máu và oxy. Đau ngực có thể xuất hiện khi gắng sức hoặc ngay cả khi nghỉ ngơi.
Mệt mỏi: Người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, ngay cả khi nghỉ. Triệu chứng này không điển hình dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
Ho khan: Ho khan kéo dài, ho về đêm hay khi nằm đầu thấp, dễ nhầm lẫn với bệnh lý đường hô hấp.
Nhịp tim nhanh: người bệnh cảm thấy hồi hộp, tim đập nhanh, ngay cả khi nghỉ ngơi.
3. NGUYÊN NHÂN
Nguyên nhân gây suy tim:
Suy tim là tình trạng cuối cùng của rất nhiều bệnh lý, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến suy tim, có thể kể đến các nguyên nhân thường gặp của suy tim như sau:
- Tăng huyết áp
- Bệnh lý mạch vành: hội chứng vành cấp, bệnh tim thiếu máu cục bộ.
- Bệnh lý van tim: hẹp van động mạch chủ, hẹp van 2 lá, hở van 2 lá, hở van động mạch chủ.
- Rối loạn nhịp và tần số tim.
- Bệnh chuyển hóa: bệnh lý tuyến giáp, đái tháo đường.
- do virus hoặc các tác nhân gây nhiễm trùng khác.
- Bệnh tim bẩm sinh.
- Bệnh cơ tim.
- Tổn thương do thuốc hoặc do nhiễm độc.
4. CHẤN ĐOÁN
- Điện tâm đồ (ECG) – để đo hoạt động điện của tim. Nó có thể cho thấy người bệnh có nhịp tim bất thường hoặc bị thiếu máu cơ tim hay không.
- Xét nghiệm máu ( BNP hoặc NT-proBNP) Mức BNP hoặc NT-proBNP cao ở những người bị suy tim.
- X-quang ngực cho thấy hình dạng chung của tim và các mạch máu lớn trong lồng ngực.
- Siêu âm tim – Thử nghiệm này sử dụng sóng âm thanh để tạo ra một hình ảnh của trái tim khi nó đập. Nó cho thấy kích thước của các buồng tim, tim bơm tốt như thế nào và van tim hoạt động ra sao.
- Kiểm tra điện tim gắng sức - Trong một bài test gắng sức, bạn được yêu cầu chạy hoặc đi bộ trên máy chạy bộ trong khi đo ECG. Hoạt động thể chất làm cho tim bơm mạnh hơn và làm tăng nhu cầu máu của tim. Xét nghiệm này giúp các bác sĩ xem tim có nhận đủ máu khi bị hoạt động gắng sức hay không.
- Thông tim (còn được gọi là "chụp động mạch vành") – Trong thủ thuật này, bác sĩ đặt một ống nhỏ vào mạch máu ở cổ tay hoặc đùi, sau đó bác sĩ sẽ bơm thuốc cản quang vào mạch máu ở tim và ghi hình lại bằng máy DSA. Điều này có thể cho thấy nếu bất kỳ động mạch nào trong tim của bạn bị hẹp hoặc bị tắc.
5. ĐIỀU TRỊ
Suy tim là một bệnh mãn tính người bệnh cần theo dõi và điều trị thường xuyên. Việc tuân thủ điều trị tốt giúp bệnh nhân có chất lượng sống tốt hơn, kéo dài thời gian sống và giảm nguy cơ đột tử. Trong mọi trường hợp điều trị căn bệnh này, bác sĩ sẽ sử dụng kết hợp các loại thuốc hoặc thiết bị hỗ trợ.
Thuốc điều trị
Để điều trị suy tim, bác sĩ sẽ kết hợp các loại thuốc tùy vào từng triệu chứng, giai đoạn và nguyên nhân của bệnh sẽ có những phác đồ thuốc khác nhau. Một số loại thuốc được dùng trong điều trị như:
- Thuốc ức chế men chuyển .
- Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II.
- Thuốc chẹn beta.
- Thuốc lợi tiểu quai, thuốc lợi tiểu đối kháng Aldosterone.
- Thuốc SGLT2.
- Thuốc tăng co bóp cơ tim.
Bện cạnh đó một số thuốc khác như nitrat có thể được dùng để giảm cơn đau thắt ngực, statin để giảm cholesterol hoặc thuốc làm loãng máu để giúp ngăn ngừa cục máu đông… có thể được sử dụng tùy theo tình trạng bệnh lý.
Phẫu thuật
Trong một số trường hợp, bác sĩ khuyên bạn nên phẫu thuật để điều trị nguyên nhân suy tim như mổ van tim nếu suy tim do bệnh van tim , mổ bắc cầu mạch vành nếu suy tim do hẹp động mạch vành, mổ sửa chữa bệnh tim bẩm sinh hoặc điều trị cắt đốt rối loạn nhịp
Một số phương pháp điều trị đang được nghiên cứu và sử dụng ở một số người bao gồm cấy máy tái đồng bộ thất trái (CRT),cấy máy khử rung tự động (ICD),thiết bị hỗ trợ thất trái (LVAD),ghép tim, và gần đây nhất là thay tim nhân tạo toàn bộ.
- 1054 Quốc Lộ 51, P. Long Bình Tân, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai
- Hotline: 02513.988.888 - 0859 488 888
- Fanpage: https://www.facebook.com/shingmarkhospital
- Website: http://shingmarkhospital.com.vn