PHƯƠNG PHÁP GIẢM ĐAU TRONG CHUYỂN DẠ SINH (SINH KHÔNG ĐAU)
Lợi ích của phương pháp gây tê ngoài màng cứng tròng chuyển dạ sinh:
• Phương pháp gây tê ngoài màng cứng khá an toàn cho chuyển dạ và sinh con, giảm đau hiệu quả, sản phụ vẫn có thể di chuyển trên giường bệnh và rặn sinh bé.
•Gây tê ngoài màng cứng sẽ giúp sản phụ có thể có thể nghỉ ngơi trong quá trình chuyển dạ, không mất sức khi thời gian chuyển dạ kéo dài, không bị ám ảnh bởi những cơn đau thắt khi chuyển dạ sinh.
•Các thuốc được sử dụng trong khoang ngoài màng cứng hầu như không đi qua nhau thai nên không ảnh hưởng đến thai nhi.
Gây tê ngoài màng cứng có đau không?
Bác sĩ Gây mê hồi sức sẽ sử dụng bộ dụng cụ chuyên dụng để đặt một catheter vào khoang ngoài màng cứng, tất cả bệnh nhân đều được tiêm thuốc tê tại chỗ vùng đi kim, nên trong suốt quá trình làm thủ thuật hầu như sản phụ sẽ không cảm giác đau hoặc chỉ đau nhẹ vùng lưng.
Gây tê ngoài màng cứng có gây đau lưng không?
•Nhiều quan ngại của sản phụ khi thực hiện gây tê ngoài màng cứng là đau lưng. Thực tế, đau lưng do gây tê ngoài màng cứng tương đối ít gặp, nếu có sẽ tự giới hạn trong vài ngày sau thủ thuật.
•Những sản phụ béo phì, cong vẹo cột sống dẫn đến việc thực hiện thủ thuật khó khăn, có nguy cơ đau lưng cao hơn, triệu chứng đau lưng này sẽ biến mất trong vài ngày, việc gây tê ngoài màng cứng không gây đau lưng lâu dài, mãn tính.
•Những nguyên nhân khác của việc đau lưng sau sinh con, có hay không kèm gây tê ngoài màng cứng như giãn các dây chằng vùng cột sống thắt lưng, biến đổi cột sống khi mang thai hoặc do các tư thế sinh hoạt trong suốt quá trình mang thai…
Những rủi ro có thể gặp phải khi gây tê ngoài màng cứng:
•Bất kì thủ thuật gây tê nào cũng kèm những rủi ro, tuy nhiên những lợi ích mà kĩ thuật gây tê mang lại cao hơn khi Bác sĩ gây mê cân nhắc chỉ định trên những sản phụ phù hợp.
•Các thuốc được đưa vào khoang ngoài màng cứng tương đối an toàn, tuy nhiên có thể gặp các tác dụng phụ như hạ huyết áp, buồn nôn, ngứa, bí tiểu, lạnh run, đau đầu…
•Các biến chứng ít gặp khác như ngộ độc thuốc tê, tê tủy sống toàn bộ, tụ máu ngoài màng cứng, tổn thương thần kinh…
•Các Bác sĩ và điều dưỡng gây mê hồi sức, kèm theo nhiều phương tiện theo dõi hiện đại luôn theo dõi sát sao sản phụ trong quá trình thực hiện thủ thuật và chuyển dạ sinh, để sớm phát hiện, xử trí các bất thường nếu có.
Những sản phụ không nên gây tê ngoài màng cứng:
•Tùy vào cơ địa, bệnh nền, các thuốc đang sử dụng cụ thể trên từng sản phụ mà Bác sĩ gây mê hồi sức cân nhắc chỉ định thực hiện gây tê ngoài màng cứng phù hợp.
•Các sản phụ trong những trường hợp sau có thể không được gây tê ngoài màng cứng:
1. Tiền sử dị ứng thuốc tê
2. Rối loạn đông máu
3. Nhiễm trùng huyết
4. Nhiễm trùng tại vùng da chọc kim
5. Bệnh lí sản khoa nặng
6. Bất thường giải phẫu cột sống thắt lưng
Những cảm nhận bất lợi sau khi hoàn thành cuộc sinh có gây tê ngoài màng cứng:
•Đau đầu: cần nghỉ ngơi tại giường, sử dụng các thuốc giảm đau…
•Khó khăn tạm thời khi đi đứng, vận động: do còn tác động của thuốc tê khoang ngoài màng cứng, sẽ phục hồi hoàn toàn vài giờ sau.
•Vết bầm nhỏ hơi đau tại vị trí chọc kim, sẽ tự hết sau vài ngày.
BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC SHING MARK
- 1054 Quốc Lộ 51, P. Long Bình Tân, TP. Biên Hòa, T. Đồng Nai
- Hotline: 02513.988.888 - 0859 488 888
- Fanpage: https://fb.com/shingmarkhospital
- Website: http://shingmarkhospital.com.vn