Logo
PHÒNG NGỪA VIÊM TAI GIỮA CHO TRẺ KHI ĐI BƠI

PHÒNG NGỪA VIÊM TAI GIỮA CHO TRẺ KHI ĐI BƠI

Viêm tai giữa (khu vực phía sau màng nhĩ) là tình trạng tai giữa bị nhiễm trùng với dấu hiệu sưng, đau, sốt, chảy dịch

Mùa hè là thời điểm lý tưởng để trẻ vui chơi và rèn luyện sức khỏe bằng các hoạt động như bơi lội. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây viêm tai giữa ở trẻ, tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ThS BS Nguyễn Thanh Tuấn, chuyên khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Dược Shing Mark.

1. Nguyên nhân

Viêm tai giữa là bệnh gặp cả ở người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, trẻ nhỏ do vòi nhĩ chưa phát triển đầy đủ cấu trúc, chức năng và hệ thống miễn dịch ở trẻ còn yếu để chống lại các tác nhân gây bệnh như: viêm amidan, viêm V.A, tắc vòi nhĩ, viêm mũi xoang, dị ứng, tắc nghẽn vùng hầu họng  sẽ dễ gây viêm tai giữa hơn.

Những yếu tố về môi trường như: thời tiết, nhiệt độ chênh lệch, đi bơi bị viêm tai giữa... cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.

Khi đi bơi, nhất là ở những nơi không đảm bảo vệ sinh, nước vào trong tai sẽ đem theo các vi khuẩn và nấm. Thông thường, nước sẽ tự chảy ra ngoài, nhưng đôi khi nước đọng lại khiến tai bị ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển, dẫn đến viêm. Đặc biệt, những người đã có tiền sử bị viêm tai, thủng màng nhĩ, có bất thường về giải phẫu ống tai rất dễ đọng nước bên trong, nguy cơ mắc bệnh cao hơn

2. Triệu chứng

Các triệu chứng thực thể của viêm tai giữa cấp bao gồm màng nhĩ phồng hoặc không di động khi bơm khí vào tai, dịch chảy ra từ tai (không liên quan đến viêm ống tai ngoài).

Viêm tai giữa ở trẻ nhỏ thường biểu hiện bằng các triệu chứng sau:

  • Trẻ sốt, thường là sốt cao 39 - 40 độ C, quấy khóc nhiều, bỏ bú, kém ăn, nôn trớ, co giật.
  • Nếu là trẻ lớn, sẽ kêu đau tai, còn trẻ nhỏ chỉ biết lắc đầu, lấy tay dụi vào tai.

Ngoài các triệu chứng đặc hiệu ở tai, trẻ có thể xuất hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn ói…

3. Hậu quả nặng nề

Ở trẻ nhỏ, tình trạng nhiễm trùng có thể đi từ xoang mũi theo vòi  nhĩ vào tai giữa gây viêm tai giữa cấp. Nếu vẫn không được điều trị bệnh sẽ diễn biến thành viêm tai giữa mạn tính hoặc viêm tai - xương chũm mạn tính, cùng với nguy cơ biến chứng có thể bị điếc, thậm chí tử vong bởi biến chứng viêm não, viêm màng não…

4. Khi ở viêm tai giữa, phụ huynh cần làm gì

Khi phát hiện bị viêm tai giữa, người lớn, trẻ nhỏ nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa tai mũi họng và điều trị theo chỉ định của bác sĩ, điều trị triệt để bệnh, phòng ngừa biến chứng. Nếu cần điều trị kháng sinh, người bệnh phải uống đủ liều lượng, đủ thời gian. Không tự ý nhỏ các dung dịch, thuốc không rõ nguồn gốc vào tai, không dùng các dụng cụ ngoáy sâu bên trong tai gây trầy xước khiến tình trạng nhiễm trùng nặng thêm.

5. Những khuyến cáo của Bác sĩ để phòng viêm tai ở trẻ

Mọi người nên lựa chọn hồ bơi đảm bảo vệ sinh nguồn nước, luôn được khử trùng, vệ sinh sạch sẽ, không chứa nhiều hóa chất độc hại cho hệ hô hấp. Phụ huynh không nên cho trẻ bơi ở sông hồ tù đọng, nơi có nguồn nước bị ô nhiễm.

Trong khi bơi tránh để sặc nước, hạn chế để nước lọt vào tai, mũi, họng. Nếu vô tình để nước vào mũi, dùng tay bịt một lỗ mũi và xì nhẹ lỗ mũi kia và ngược lại. Không nên bịt cả hai lỗ cùng một lúc xì mũi để tránh làm nguồn viêm nhiễm từ mũi họng qua vòi nhĩ vào tai, gây viêm tai giữa.

Những người có tiền sử viêm tai giữa, viêm xoang, viêm mũi dị ứng hạn chế đi bơi vì rất dễ tái phát bệnh. Nếu từng bị viêm tai, hoặc đã từng phẫu thuật tai thì nguy cơ nước vào tai gây viêm nhiễm càng lớn. 

     
      BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC SHING MARK

 

Các tin khác