Logo
PHÒNG NGỪA VIÊM GAN B Ở TRẺ SƠ SINH

PHÒNG NGỪA VIÊM GAN B Ở TRẺ SƠ SINH

Phụ nữ mang thai bị Viêm gan B là đối tượng đặc biệt, trong đó khoảng 90% phụ nữ mang thai bị nhiễm HBV cấp tính và 10 – 20% phụ nữ có nhiễm HBV mạn tính sẽ truyền virus HBV sang con. Khác với người lớn, trẻ sơ sinh bị nhiễm HBV cấp tính có thể có triệu chứng nặng, thậm chí đe dọa đến tính mạng. 90% trẻ sơ sinh nhiễm virus cấp tính sẽ chuyển thành người mang virus mạn tính nếu không có các can thiệp phù hợp. Khi trưởng thành, họ có 25% nguy cơ tử vong vì xơ gan hoặc ung thư tế bào gan.

Bài viết được viết bởi Thạc sĩ bác sĩ Trần Ngọc Huy – Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện ĐHYD Shing Mark.

 

1.      Viêm Gan B là gì ?

Viêm gan B là bệnh viêm gan do virus viêm gan siêu vi B (HBV) gây ra, lây truyền theo đường máu, mẹ truyền sang con và tình dục. Viêm gan B gặp nhiều ở các nước đang phát triển. Việt Nam là một trong các nước thuộc khu vực dịch tễ có tỉ lệ lưu hành virus Viêm gan B cao nhất thế giới (10 – 20%).

Phụ nữ mang thai bị Viêm gan B là đối tượng đặc biệt, trong đó khoảng 90% phụ nữ mang thai bị nhiễm HBV cấp tính và 10 – 20% phụ nữ có nhiễm HBV mạn tính sẽ truyền virus HBV sang con. Khác với người lớn, trẻ sơ sinh bị nhiễm HBV cấp tính có thể có triệu chứng nặng, thậm chí đe dọa đến tính mạng. 90% trẻ sơ sinh nhiễm virus cấp tính sẽ chuyển thành người mang virus mạn tính nếu không có các can thiệp phù hợp. Khi trưởng thành, họ có 25% nguy cơ tử vong vì xơ gan hoặc ung thư tế bào gan.

“Tình trạng trẻ em mắc các bệnh lý về gan và viêm gan đang ngày càng gia tăng. Bệnh viêm gan virus là căn bệnh không chừa bất kì một ai, từ người lớn tuổi cho đến trẻ nhỏ. Nguyên nhân khiến trẻ nhỏ mắc bệnh viêm gan virus chủ yếu là do truyền từ mẹ sang con.” (GS. TS Phạm Nhật An)

2.      Đường lây truyền

Virus HBV lây truyền từ mẹ sang con có thể xảy ra trong tử cung, khi sinh hoặc sau khi sinh. Tỉ lệ nguy cơ lây truyền Viêm gan B từ mẹ sang con có liên quan đến việc HBV DNA cao và HbeAg dương tính ở mẹ. Sự lây truyền qua nhau thai hoặc do các thủ thuật sản khoa là những nguyên nhân ít gặp. Ngoài ra, lợi ích của sinh mổ trong việc bảo vệ chống lại sự lây truyền HBV vẫn chưa được xác định rõ ràng, vì vậy, phương pháp tiếp cận sản khoa không nên bị ảnh hưởng bởi tình trạng HBV của người mẹ. Tuy nhiên, nguy cơ lây truyền HBV từ mẹ sang con sẽ giảm đáng kể bằng việc áp dụng sàng lọc HBV cho mẹ, tiêm vắc xin Viêm gan B cho tất cả trẻ sơ sinh và sử dụng huyết thanh kháng virus Viêm gan B (HBIG) cho trẻ có mẹ HBsAg dương tính. Khoảng 95% trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm HBV được bảo vệ nếu tiêm phòng vắc xin Viêm gan B và HBIG trong vòng 12 giờ sau khi sinh.

Việc bú mẹ dường như không là nguy cơ lây nhiễm HBV, nhất là đối với những trẻ đã được tiêm phòng đủ vắc xin VGB và HBIG.

3.      Phòng ngừa

Cho đến nay, cách tốt nhất để phòng bệnh Viêm gan B là tiêm ngừa. Vắc xin Viêm gan B có hiệu quả lên đến 95% trong việc phòng ngừa nhiễm mới Viêm gan B, đồng thời giúp tạo kháng thể bảo vệ kéo dài từ 10 – 20 năm.

Trẻ sơ sinh có mẹ bị Viêm gan B cần thực hiện tiêm ngừa đúng theo lịch để đảm bảo khả năng bảo vệ tốt nhất, việc tiêm ngừa này không phụ thuộc vào cân nặng lúc sinh và tình trạng điều trị HBV của mẹ.

4.      Lịch tiêm chủng Viêm gan B của trẻ sơ sinh

Lịch tiêm vắc xin Viêm gan B đơn kháng nguyên

 

Liều

CNLS ≥ 2kg

CNLS < 2kg

Mẹ HbsAg (+)

0

≤ 12h

≤ 12h

1

1 – 2 tháng

1 tháng

2

6 tháng

2 – 3 tháng

Mẹ HbsAg (-)

0

≤ 24h

Ra viện hoặc 1 tháng

1

1 – 2 tháng

2 tháng

2

6 – 18 tháng

6 – 18 tháng

Lưu ý:

·        Đối với trẻ có mẹ Viêm gan B: tiêm vắc xin theo lịch trên kèm huyết thanh kháng virus Viêm gan B, liều 30 – 100 IU/kg (TB, ở vị trí khác với tiêm vắc xin). Trẻ cần được tiêm sớm, tốt nhất trong vòng 12h đầu (cân nhắc khi trẻ > 7 ngày tuổi).

·        Liều nhắc lại đối với mẹ HbsAg (+) có nguy cơ lây nhiễm cao (HBeAg (+) hoặc HBV DNA cao): khuyến cáo tiêm liều nhắc lại sau liều ban đầu 1 tháng.

·        Trẻ vẫn có thể tiêm đủ vắc xin phối hợp (vắc xin 6 trong 1, 5 trong 1) mà không ảnh hưởng đến lịch tiêm vắc xin đơn kháng nguyên trên (vắc xin phối hợp không được tiêm trước 6 tuần tuổi).

·        Đối với trẻ có mẹ chưa rõ tình trạng nhiễm HBV: tiêm ngừa giống như trẻ có mẹ nhiễm HBV.

·        Trẻ sơ sinh có mẹ bị Viêm gan B có thể bú mẹ bình thường sau khi đã được tiêm phòng đầy đủ (vắc xin Viêm gan B và HBIG).

·        Trẻ có mẹ bị Viêm gan B nên được xét nghiệm Viêm gan B (HBsAg và HBsAb) lúc 9 – 12 tháng hoặc sau liều vắc xin Viêm gan B cuối cùng 1 – 2 tháng.

Khoa Nhi – sơ sinh Bệnh viện ĐHYD Shing Mark với đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng viên chuyên khoa giàu kinh nghiệm, có kỹ thuật chuyên môn cao, áp dụng nhiều kỹ thuật mới, hiện đại: Thở áp lực dương liên tục, lồng ấp hiện đại,điều trị sơ sinh non tháng, nhiễm trùng, vàng da... Ngoài ra, khi các mẹ bầu chọn Bệnh viện ĐHYD Shing Mark sinh con, Sản phụ sẽ được sàng lọc HBV trước khi sinh, em bé được các bác sĩ chuyên khoa Nhi thăm khám, đánh giá ngay lúc sinh và tiêm phòng đầy đủ để bé được bảo vệ toàn diện nhất.

--------------------------------------------

 

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số 02513 988 888. Ngoài ra, Quý khách có thể Đăng ký tư vấn từ xa TẠI ĐÂY

-------------------------------------------

BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC SHING MARK

Hotline: 02513.988.888 - 80034

1054 Quốc Lộ 51, P.Long Bình Tân, Tp.Biên Hòa, Đồng Nai

FaceBook: https://www.facebook.com/shingmarkhospital

Sức Khỏe của bạn - Trách nhiệm của chúng tôi

Các tin khác