Logo
NHIỄM TRÙNG ĐƯỜNG TIẾT NIỆU

NHIỄM TRÙNG ĐƯỜNG TIẾT NIỆU

TRƯƠNG THỊ ÁNH MAI Bác sĩ CKII - Nội Tổng Quát

 

Nhiễm trùng đường tiết niệu là bệnh lý xảy ra khá phổ biến ở người, nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn xâm nhập vào hệ thống tiết niệu gây nên các cảm giác khó chịu cho người bệnh như đau buốt, nóng rát khi tiểu,... Đây là bệnh lý không khó điều trị nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Nhiễm trùng đường tiết niệu là gì?

 

Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi có sự xuất hiện của vi khuẩn trong đường tiết niệu, khiến cơ thể tạo ra các phản ứng chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn đó.

 

Nhiễm trùng đường tiết niệu chia làm 2 nhóm dựa theo vị trí giải phẫu bị nhiễm khuẩn:

 

  • Nhiễm khuẩn tiết niệu trên
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu dưới

 

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là bệnh lý thường gặp ở nữ giới, nam giới cũng mắc phải nhưng nguyên nhân gây nên tình trạng nhiễm trùng tiết niệu ở nam giới là do đường bài niệu bị tắc hoặc do những vi khuẩn đặc hiệu như lao, lậu,... gây nên.

 

Dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu thường gặp:

 

Các triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào bộ phận nào của đường tiết niệu bị viêm nhiễm. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu phía dưới ảnh hưởng đến niệu đạo và bàng quang. Do đó, các biểu hiện của nhiễm trùng đường tiểu bao gồm:

 

  • Nóng rát khi đi tiểu
  • Tăng tần suất đi tiểu mà không tiểu được nhiều
  • Tăng tính khẩn cấp của việc đi tiểu
  • Nước tiểu có máu
  • Nước tiểu đục
  • Nước tiểu có màu như nước trà đặc
  • Nước tiểu nặng mùi
  • Đau vùng chậu ở phụ nữ
  • Đau trực tràng ở nam giới

 

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu phía trên ảnh hưởng đến thận. Chúng có thể đe dọa tính mạng nếu vi khuẩn di chuyển từ thận bị nhiễm trùng vào máu. Tình trạng này được gọi là urosepsis, có thể gây ra hạ huyết áp, sốc và tử vong. Các triệu chứng của nhiễm khuẩn đường tiểu trên bao gồm:

 

  • Đau ở phần lưng trên và hai bên
  • Cảm giác ớn lạnh
  • Sốt
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Dấu hiệu cụ thể theo giới tính:
  • Nam giới: Với các triệu chứng trên, giữa nam giới và nữ giới không có sự khác biệt. Tuy nhiên, với nhiễm trùng tiết niệu dưới, ở nam giới đôi khi bao gồm đau trực tràng bên cạnh các triệu chứng chung đã được miêu tả.
  • Nữ giới: Phụ nữ có thể bị đau vùng chậu, bên cạnh các triệu chứng thông thường khác

 

Nguyên nhân dẫn đến Nhiễm trùng đường tiết niệu:

 

Nhiễm trùng đường tiết niệu thường xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu qua niệu đạo và bắt đầu phát triển nhanh trong bàng quang. Mặc dù hệ thống tiết niệu đã được thiết kế để ngăn chặn vi khuẩn, nhưng các biện pháp phòng thủ đôi khi trở nên thất bại. Khi điều đó xảy ra, vi khuẩn sẽ được giữ lại và phát triển thành các ổ viêm tại hệ tiết niệu.

 

Nhiễm trùng bàng quang hay viêm bàng quang thường do Escherichia coli (E. coli),một loại vi khuẩn được tìm thấy trong đường tiêu hóa, gây ra. Tình trạng này xảy ra khi vi khuẩn được lây lan từ hậu môn đến niệu đạo. Bên cạnh đó, do cấu tạo niệu đạo của phụ nữ gần với âm đạo nên các tác nhân gây ra bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) dễ tấn công niệu đạo gây viêm.

 

Các cách điều trị:

 

Cách điều trị hiệu quả nhất, cần làm theo quy trình sau:

 

- Đầu tiên cần làm xét nghiệm nước tiểu

 

- Sau khi có kết quả xét nghiệm, cần đem đến cho bác sĩ theo theo dõi và đưa ra phát đồ điều trị phù hợp nhất.

 

Cách phòng tránh:

 

  • Uống đủ nước mỗi ngày: Bệnh nhân có thể sử dụng nước lọc hoặc nước ép để uống nhằm lọc đường tiết niệu và hỗ trợ điều trị.
  • Vệ sinh sạch sẽ, nên lau chùi từ trước ra sau, tránh thụt rửa và xịt nước sâu vào trong âm đạo. Nên tắm vòi sen hơn là tắm bồn. Mặc quần lót làm từ cotton và tránh các loại quần chật.
  • Trước và sau khi quan hệ tình dục cần vệ sinh sạch sẽ, tránh đặt màng ngăn tinh trùng hoặc dùng thuốc diệt tinh trùng.
  • Nên tiểu thường xuyên và làm rỗng bàng quang hoàn toàn;
  • Thuốc tránh thai có thể gây tương tác với một số loại thuốc kháng sinh, do đó cần báo cho bác sĩ biết nếu đang dùng thuốc tránh thai.
  • Nếu bệnh nhân hay bị nhiễm trùng đường tiểu, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh để phòng ngừa bệnh.
  • Nhất định không được nhịn tiểu.

 

 

Các tin khác