Logo
NGUYÊN NHÂN GÂY THẬN Ứ NƯỚC

NGUYÊN NHÂN GÂY THẬN Ứ NƯỚC

Thận ứ nước là bệnh lý của hệ tiết niệu xảy ra ở mọi nhóm đối tượng. Thận ứ nước nếu không được điều trị kịp thời có thể làm suy giảm chức năng của thận và làm tổn thương cấu trúc tế bào thận. Bệnh lý này có thể xảy ra ở 1 hoặc 2 quả thận.

Hãy cùng BS.CKI Phan Đình Trường - Chuyên khoa Ngoại Tiết Niệu - Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị thận ứ nước bạn nhé!

Thận ứ nước là gì?

Ứ nước thận (hydronephrosis) là tình trạng giãn đài bể thận do sự tắc nghẽn trong hệ thống tiết niệu, làm cản trở dòng chảy của nước tiểu từ thận xuống bàng quang hoặc ra ngoài. Tình trạng này có thể cấp tính hoặc mạn tính, một bên hoặc hai bên, và có thể dẫn đến tổn thương nhu mô thận nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

PHÂN LOẠI NGUYÊN NHÂN GÂY Ứ NƯỚC THẬN

Nguyên nhân gây ứ nước thận được phân loại dựa trên vị trí tắc nghẽn trong hệ thống tiết niệu:

Nguyên nhân trên niệu quản (tại thận hoặc khúc nối bể thận – niệu quản)

• Hẹp khúc nối bể thận – niệu quản (UPJ obstruction):

• Bẩm sinh hoặc mắc phải (xơ hóa, sau can thiệp, sỏi khảm…).

• Sỏi đài – bể thận lớn: gây cản trở lưu thông nước tiểu (nhất là sỏi san hô).

• U đường tiết niệu trên: như u biểu mô chuyển tiếp bể thận.

• Hẹp bể thận do viêm, xơ hóa, chấn thương.

Nguyên nhân tại niệu quản

a. Bên trong lòng niệu quản:

• Sỏi niệu quản: là nguyên nhân phổ biến nhất, thường gây ứ nước cấp tính nếu sỏi di chuyển.

• U niệu quản: hiếm gặp, thường là carcinôm tế bào chuyển tiếp.

• Cục máu đông, dịch mủ, sẹo cũ.

b. Thành niệu quản:

• Hẹp niệu quản: do viêm, xơ hóa sau mổ, sau xạ trị, hoặc do bệnh lý viêm mạn tính.

• Hẹp do sỏi khảm lâu ngày.

c. Chèn ép từ ngoài vào:

• Khối u vùng chậu: u đại tràng, u cổ tử cung, u buồng trứng.

• Phì đại tử cung khi có thai.

• Hạch chậu lớn (ung thư di căn).

• Xơ hóa sau phúc mạc (retroperitoneal fibrosis).

Nguyên nhân tại bàng quang và niệu đạo (dưới niệu quản)

• U bàng quang vùng lỗ niệu quản hoặc cổ bàng quang.

• Sỏi bàng quang lớn.

• U tuyến tiền liệt, phì đại lành tính tuyến tiền liệt.

• Hẹp niệu đạo.

• Viêm hoặc hẹp lỗ niệu đạo ngoài.

• Tổn thương thần kinh kiểm soát bàng quang (bàng quang thần kinh).

Nguyên nhân chức năng (không do tắc thực thể)

• Bàng quang thần kinh, bàng quang mất trương lực: làm tăng áp lực bàng quang trào ngược niệu quản – bể thận.

• Trào ngược bàng quang – niệu quản (VUR): thường gặp ở trẻ em.

• Rối loạn vận động niệu quản (uống thuốc giảm nhu động).

Ứ nước thận không phải là một bệnh mà là hậu quả của sự tắc nghẽn đường tiết niệu do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ sỏi niệu, u, hẹp, cho đến rối loạn chức năng. Việc chẩn đoán nguyên nhân chính xác và điều trị sớm là then chốt để bảo tồn chức năng thận và ngăn ngừa các biến chứng lâu dài như nhiễm trùng, hẹp niệu quản hay suy thận mạn.

 

BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC SHING MARK

Các tin khác