NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM
Những ngày gần đây, liên tiếp xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước làm cho nhiều người phải nhập viện và thậm chí có ca tử vong. Mới đây nhất đầu tháng 5-2024 tại Đồng Nai hơn 568 người ở Đồng Nai ngộ độc sau ăn bánh mì tại Long Khánh - Đồng Nai dương tính với khuẩn Salmonella, E.coli; 4 mẫu thức ăn nhiễm khuẩn Salmonella.
Ngộ độc thực phẩm hay trúng thực xảy ra khi một người bị nhiễm phải độc tố do ăn phải những thức ăn hay uống phải đồ uống bị nhiễm độc, nhiễm khuẩn. Điều này cũng có thể là do các món ăn này bị ôi thiu, biến chất hay chất bảo quản, chất phụ gia có trong thức ăn bị vượt mức cho phép. Trường hợp triệu chứng ngộ độc thực phẩm chỉ ở mức nhẹ thì sau vài ngày tình trạng này có thể thuyên giảm. Tuy nhiên nếu nặng hơn sẽ tác động đến thể chất, tinh thần của bệnh nhân, thậm chí có thể khiến người bệnh bị tử vong nếu không được cứu chữa và xử trí kịp thời.
Nguyên nhân chính của các ca ngộ độc thực phẩm là do điều kiện thời tiết nóng ẩm với nhiệt độ cao kéo dài của mùa hè tạo thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, đặc biệt là vi khuẩn đường ruột, động thực vật có chứa độc tố tự nhiên; ô nhiễm môi trường quá trình sơ chế chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh,...
Những tác nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm:
- Sán lá gan: loại sán này thường trú ngụ trong các món ốc, gỏi cá sống, món ăn chưa được chế biến kỹ;
- Vi khuẩn Salmonella: đây là nguyên nhân gây bệnh thương hàn. Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn này thường có biểu hiện nhức đầu, buồn nôn, sốt, choáng váng và tiêu chảy;
- Vi khuẩn Clostridium botulinum: được tìm thấy trong thịt cá ươn, chúng có khả năng hủy hoại hành tủy và hệ thần kinh trung ương khiến người bệnh bị tử vong nếu nhiễm phải;
- Độc tố do tụ cầu Staphylococcus tiết ra xuất hiện trong thịt gia cầm sống, sữa có thể gây đau đầu, chóng mặt, tiêu chảy, buồn nôn, mạch đập nhanh,...;
- Vi nấm Aflatoxin sản sinh ra độc tố trong các loại hạt như đậu nành, đậu phộng, hạt điều, hướng dương, hạt ngô, và các loại bột hữu cơ được làm từ những loại hạt bị nấm mốc;
- Virus Norwalk và viêm gan A hiện diện trong các món ăn như rau sống, đồ nguội, hến, sò, ốc ở trong vùng nước bị ô nhiễm;
- Ăn uống phải chất bảo vệ thực vật; Thực phẩm chứa nhiều các kim loại nặng (thủy ngân, chì, asen, selenium);
- Các chất bảo quản, chất phụ gia quá liều lượng hoặc bị cấm sử dụng trong sản xuất thực phẩm,...
Đa số các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra mới đây chủ yếu từ thức ăn đường phố, những cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Các kết quả kiểm nghiệm cho thấy đều có mặt của vi khuẩn Salmonella. Ngoài ra còn một số các loại vi khuẩn khác như E.coli, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus...
Thời gian ủ bệnh khi nhiễm Salmonella là từ 6 giờ đến 72 giờ sau khi ăn, thông thường là từ 18 giờ đến 36 giờ sẽ xuất hiện các triệu chứng như: đau quặn bụng, tiêu chảy, ớn lạnh, sốt, một số ít còn bị buồn nôn ói mửa....
Theo đánh giá của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) hiện nay những người trực tiếp chế biến thức ăn và ngay cả người tiêu dùng hầu như đều thiếu kiến thức và thiếu trách nhiệm trong việc đảm bảo VSATTP.
Như vậy, để đảm bảo VSATTP, phòng chống ngộ độc thì người dân cần nằm được những kiến thức cơ bản về giữ gìn vệ sinh cũng như cách bảo quản thực phẩm. Khi có những biểu hiện của ngộ độc thực phẩm cần đến ngay CSYT gần nhất để được khám và điều trị.
- 1054 Quốc Lộ 51, P. Long Bình Tân, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai
- Hotline: 02513.988.888 - 0859 488 888
- Fanpage: https://www.facebook.com/shingmarkhospital
- Website: http://shingmarkhospital.com.vn