Logo
MÙA MƯA VÀ NỖI LO KHÒ KHÈ Ở TRẺ: HIỂU ĐÚNG ĐỂ CHĂM SÓC CON TỐT HƠN

MÙA MƯA VÀ NỖI LO KHÒ KHÈ Ở TRẺ: HIỂU ĐÚNG ĐỂ CHĂM SÓC CON TỐT HƠN

Mùa mưa đến, số trẻ bị khò khè, khó thở tăng đột biến khiến nhiều phụ huynh lo lắng không biết con mình có bị hen không. Vậy khò khè là gì và làm sao để phân biệt với các vấn đề hô hấp khác?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS CKI Nguyễn Phan Thu Lệ - khoa Nhi - Sơ sinh Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark:

Khò khè - Hiểu đúng:

Khò khè là dấu hiệu đường thở dưới trong lồng ngực (từ đoạn khí quản ngực đến các phế quản nhỏ) bị tắc nghẽn. Đặc biết tình trạng khò khè thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi vì phế quản có kích thước nhỏ, dễ bị co thắt, phù nền, tiết dịch và tắc nghẽn do viêm. Trẻ khò khè thường khó thở ra, có tiếng "khè" khi thở ra, nặng hơn có thể có tiếng rít cả khi hít vào. Cần phân biệt với tiếng thở lớn do nghẹt mũi họng ở trẻ nhỏ, tiếng này thường là "rột rột" hoặc "khụt khịt" nhưng trẻ vẫn thở được bằng miệng, âm thanh này sẽ giảm đi khi bạn thông thoáng mũi trẻ bằng cách nhỏ nước nuối.

Hen suyễn là bệnh viêm mạn tính đường thở, gây ra các cơn khò khè cấp tính, và số ca nhập viện vì hen thường tăng vào mùa mưa.

Khi nào nghi ngờ con bạn bị hen?

Các triệu chứng gợi ý cơn hen bao gồm: ho, khò khè, nặng ngực, khó thở.

Để chẩn đoán hen, bác sĩ cần kết hợp triệu chứng (khò khè tái đi tái lại, tiền sử gia đình, dị ứng...) và xét nghiệm chức năng hô hấp (đo lưu lượng khí thở ra). Tuy nhiên, trẻ nhỏ thường khó hợp tác và không phải cơ sở y tế nào cũng có xét nghiệm này.

Đối với trẻ dưới 5 tuổi, bác sĩ có thể chẩn đoán hen nếu:

• Trẻ bị khò khè tái phát nhiều lần (trên 3 lần ở trẻ dưới 12 tháng và trên 2 lần ở trẻ trên 12 tháng) và được bác sĩ xác nhận.

• Khò khè đáp ứng tốt với thuốc giãn phế quản (salbutamol khí dung).

• Có tiền sử gia đình bị hen hoặc các cơn khò khè có yếu tố khởi phát giống nhau.

• Khò khè không phải do các nguyên nhân khác (cần bác sĩ thăm khám kỹ và làm thêm xét nghiệm).

Nguyên nhân gây hen ở trẻ:

Ho hoặc sổ mũi kéo dài không tự gây ra bệnh hen. Ngược lại, trẻ ho kéo dài hoặc viêm mũi dị ứng cần được kiểm tra để xác định nguyên nhân, có thể là do hen.

Hen là bệnh do sự kết hợp của cơ địa (di truyền, dị ứng, rối loạn miễn dịch) và các yếu tố môi trường (khói thuốc, ô nhiễm, nhiễm trùng, dị nguyên) theo thời gian.

Các yếu tố tiên lượng nguy cơ hen ở trẻ (chỉ số tiên đoán hen):

• Chàm da.

• Cha mẹ bị hen.

• Dị ứng với các dị nguyên hô hấp, sữa/trứng, viêm mũi dị ứng và khò khè không liên quan đến cảm lạnh.

Cần làm gì khi trẻ lên cơn hen?

• Dấu hiệu cơn hen: thở mệt, thở khò khè, thở nhanh, nặng ngực hoặc ho liên tục.

• Nếu trẻ đã được chẩn đoán hen, hãy cho trẻ dùng thuốc giãn phế quản (salbutamol) bằng khí dung hoặc bình xịt định liều ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ.

• Sau đó, đưa trẻ đến bác sĩ khám.

• Không tự ý lạm dụng salbutamol khi chưa rõ nguyên nhân khò khè hoặc ho nhiều.

Làm thế nào để giảm nguy hiểm do bệnh hen?

• Xác định và tránh các yếu tố khởi phát cơn hen.

• Ghi nhật ký hen suyễn (số lần, thời gian lên cơn, ảnh hưởng đến sinh hoạt) để trao đổi với bác sĩ, giúp bác sĩ có kế hoạch điều trị phù hợp.

• Hiểu rõ cách dùng và thời điểm dùng thuốc điều trị hen, đảm bảo đúng liều lượng và kỹ thuật sử dụng đúng.

• Không tự ý ngưng thuốc dự phòng khi thấy trẻ đỡ.

• Không dùng thuốc nam, thuốc bắc để điều trị hen.

 

BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC SHING MARK

Các tin khác