Logo
HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Hội chứng ống cổ tay là tình trạng dây thần kinh giữa bị chèn ép trong ống cổ tay, biểu hiện bằng cơn đau nhức, tê ran và ngứa ngón trỏ, ngón giữa và ngón áp út, có thể lan dần lên cẳng tay về phía vai kèm theo cơn đau cơ, chuột rút.

Hội chứng ống cổ tay là gì?

Hội chứng ống cổ tay là tình trạng dây thần kinh giữa bị chèn ép khi đi ngang qua ống cổ tay, hậu quả là gây viêm, đau, tê, giảm hoặc mất cảm giác, thậm chí gây teo cơ, giảm chức năng vận động của vùng bàn tay thuộc chi phối của dây thần kinh giữa và tình trạng này sẽ tồi tệ hơn theo thời gian. Vì vậy, việc nhận biết sớm, điều trị sớm là rất quan trọng để cải thiện triệu chứng và phục hồi chức năng cho người bệnh tránh những biến chứng nghiêm trọng.

Hiện nay, số người mắc hội chứng này đang tăng lên do nhu cầu công việc có sử dụng nhiều tới độ linh hoạt, tỉ mỉ và lặp đi lặp lại của cổ tay ngày càng nhiều. 

 

 

Nguyên nhân nào gây ra hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay là hệ quả của sự kết hợp nhiều yếu tố. Các nguyên nhân của hội chứng ống cổ tay có thể bao gồm:

- Bất thường về giải phẫu: Đường hầm ống cổ tay có kích thước nhỏ hơn ở một số chủng tộc hoặc có sự khác biệt về mặt giải phẫu làm thu hẹp không gian ống cổ tay, khiến cho dây thần kinh giữa dễ bị chèn ép hơn.

- Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp ba lần so với nam giới, điều này có thể do phụ nữ có đường hầm ống cổ tay nhỏ hơn.

- Thực hiện các động tác lặp đi lặp lại hoặc gấp duỗi quá mức bàn tay và cổ tay trong thời gian dài.

- Thai kỳ: Thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ có thể gây sưng viêm các thành phần trong ống cổ tay gây chèn ép dây thần kinh giữa.

- Các bệnh lý đi kèm: Tổng trạng béo phì, bệnh tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, gút… là những bệnh lý có liên quan đến hội chứng ống cổ tay.

- Sau tổn thương cổ tay: các chấn thương cổ tay như trật khớp, gãy xương vùng cổ tay can xương lệch làm thay đổi không gian trong ống cổ tay.

Các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay có thể gây ra các triệu chứng sau:

- Bệnh nhân thường có cảm giác tê bì bàn ngón tay, dị cảm, ngứa ran và đau chủ yếu ở ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn.

- Triệu chứng tê bì thường tăng về đêm, làm cho người bệnh thức giấc, gây mất ngủ. 

- Các động tác gấp hoặc ngửa cổ tay quá mức hoặc tỳ đè lên vùng ống cổ tay như đi xe máy hoặc nhân viên văn phòng sử dụng chuột máy tính cũng làm cảm giác tê tăng lên, triệu chứng giảm đi khi ngừng vận động, nghỉ ngơi, vẩy tay.

- Ở giai đoạn muộn sẽ có biểu hiện rối loạn về vận động, teo cơ mô cái, yếu cơ. Một số biểu hiện thường là cầm nắm khó, các động tác khéo léo của bàn tay giảm, hay rơi đồ vật.

Tóm lại:

- Tình trạng chèn ép thần kinh giữa kéo dài khiến người bệnh đau, tê, giảm hoặc mất cảm giác vùng da tay thuộc chi phối của thần kinh giữa, nặng hơn có thể gây teo cơ, giảm chức năng và vận động bàn tay. 

- Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể khỏi hoàn toàn, ngược lại sẽ gây ra những tổn thương và di chứng kéo dài làm ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt và công việc của người bệnh. 

Chẩn đoán hội chứng ống cổ tay dựa vào 

- Các triệu chứng lâm sàng.

- Đo dẫn truyền điện thần kinh (EMG): là phương pháp để chẩn đoán xác định hội chứng ống cổ tay cũng như mức độ tổn thương dây thần kinh.

Phương pháp điều trị hội chứng ống cổ tay

Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào tình trạng của người bệnh. Các phương pháp điều trị gồm:

- Điều trị nội khoa: Được chỉ định trong giai đoạn đầu của bệnh. Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng viêm non-steroid, hoặc dùng corticoid đường uống; đồng thời hạn chế các vận động làm gấp hoặc ngửa cổ tay quá mức nhằm giảm áp lực trong ống cổ tay. 

- Dùng nẹp cổ tay: Phương pháp này có thể thực hiện vào ban đêm hoặc liên tục cả ngày. 

Điều trị ngoại khoa

- Được áp dụng cho bệnh ở giai đoạn nặng, có dấu hiệu rối loạn cảm giác, teo cơ hoặc đã điều trị nội khoa nhiều tháng mà tình trạng bệnh không thuyên giảm. 

- Phẫu thuật làm giảm áp lực trong ống cổ tay bằng cách cắt dây chằng ngang cổ tay hoặc phẫu thuật điều chỉnh các khối can xương lệch hay trật khớp để ống cổ tay không bị hẹp và không gây đè ép vào dây thần kinh giữa.

 

Biện pháp phòng ngừa hội chứng ống cổ tay

- Nghỉ ngơi hợp lý khi làm các công việc lặp đi lặp lại động tác ở cổ tay

- Giảm sử dụng lực ở cổ tay và ngón tay.

- Tránh các hoạt động phải sử dụng cổ tay nhiều.

- Giữ tay ấm.

- Giữ cho cổ tay thẳng.

- Không gối đầu trên tay khi ngủ

Vận động và nghỉ ngơi đúng cách để giảm thiểu áp lực lên cổ tay là phương pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất đối với hội chứng ống cổ tay.

Hiện nay, các bác sĩ chuyên khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình - tại Bệnh Viện Đại Học Y Dược Shing Mark đã điều trị thành công rất nhiều ca Hội chứng ống cổ tay. Với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm cùng với trang thiết bị hiện đại sẽ giúp người bệnh phát hiện và đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất

     
      BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC SHING MARK

 

Các tin khác