CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI SAU KHI MỔ XƯƠNG KHỚP
Vai trò của dinh dưỡng :
Khi cơ thể trải qua ca phẫu thuật lớn như phẫu thuật xương khớp, nhu cầu về dinh dưỡng tăng lên đáng kể do cơ thể phải tập trung vào việc phục hồi các mô tổn thương, tái tạo xương và duy trì sức khỏe tổng thể. Chế độ ăn uống hợp lý không chỉ giúp tăng tốc độ lành xương, giảm viêm mà còn đóng vai trò ngăn ngừa các biến chứng sau phẫu thuật.
Protein, vitamin và các khoáng chất là những thành phần thiết yếu trong chế độ ăn của bệnh nhân sau phẫu thuật. Các chất này giúp cơ thể xây dựng lại cấu trúc xương, sản sinh collagen, cũng như tăng cường hệ miễn dịch để chống lại các nguy cơ nhiễm trùng. Bên cạnh đó, việc bổ sung đầy đủ nước và chất xơ giúp cơ thể duy trì trạng thái cân bằng, giảm thiểu các vấn đề về tiêu hóa thường gặp sau phẫu thuật do hạn chế vận động.
Sau khi mổ xương, việc lựa chọn thực phẩm phù hợp là rất quan trọng với người bệnh. Người mới mổ xương cần tư vấn bác sĩ dinh dưỡng hoặc chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn cụ thể, các nhóm thực phẩm tăng cường dưỡng chất, hỗ trợ nâng cao hiệu quả điều trị
Mới mổ xương xong nên ăn thực phẩm giàu canxi
Can xi là yếu tố thiết yếu trong cấu tạo mô xương để hệ xương khỏe mạnh. Tăng lượng canxi trong khẩu phần ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của xương . Canxi là dưỡng chất không thể thiếu cho sự hình thành và phát triển xương. Khi xương bị tổn thương, cơ thể cần nạp một lượng lớn canxi để hỗ trợ quá trình sửa chữa xương. Trường hợp mức canxi quá thấp, cơ thể sẽ lấy chúng từ xương, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hồi phục xương sau phẫu thuật. Để đẩy nhanh tốc độ hồi phục sau mổ gãy xương, người bệnh nên bổ sung canxi qua các nhóm thực phẩm như sữa, đậu phụ, phô mai, bông cải xanh, hải sản, tôm, cua, cá, ốc; trứng, đặc biệt là lòng đỏ trứng; vừng, đậu nành, mộc nhĩ; các loại rau lá xanh như: rau ngót, rau dền, rau cần, rau muống..,
Người mới mổ xương nên ăn thực phẩm giàu protein
Vai trò: Khoảng một nửa cấu trúc của xương được tạo thành từ protein và vai trò chính của protein là sản sinh collagen để giúp xương trở nên linh hoạt, dẻo dai hơn. Protein cũng giúp cơ thể hấp thụ và sử dụng canxi, một vi chất quan trọng của xương. Sau phẫu thuật, cơ thể người bệnh cần một lượng lớn dưỡng chất này để góp phần tái tạo, chữa lành phần xương bị tổn thương. Protein giúp tái tạo mô, hình thành collagen và hỗ trợ quá trình lành xương.
Nguồn thực phẩm: Thịt gà, cá, trứng, sữa, các loại hạt, đậu và đậu hũ, yến mạch, pho mai, sữa chua,…
Liều lượng: Khoảng 1,2 - 1,5g protein trên mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày.
Thực phẩm nhiều vitamin D giúp xương mau lành
Vitamin D giúp tăng khả năng hấp thu canxi của cơ thể. Vitamin D cũng có khả năng hỗ trợ giảm viêm, duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh, đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa glucose và phát triển tế bào.
Thiếu hụt vitamin D cần thiết có thể gây ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị xương, người bệnh cần bổ sung khoảng 800 - 1000 IU vitamin D mỗi ngày. Có thể nạp vitamin D từ các thực phẩm tốt như cá kiếm, cá hồi, cá mòi, gan, Sữa và các sản phẩm từ sữa, tôm, hàu, long đỏ trứng , nấm, dầu gan cá tuyết,…… và tiếp xúc ánh nắng để tổng hợp vitamin D
Sau mổ xương nên ăn thực phẩm giàu chất Kẽm
Vai trò: Thúc đẩy quá trình phục hồi mô và tăng cường miễn dịch.
Nguồn thực phẩm: Thịt bò, thịt gà, hạt bí, và đậu lăng.
Liều lượng: 8 - 11mg mỗi ngày.
Sau mổ xương nên ăn thực phẩm giàu chất Vitamin C
Vai trò: Hỗ trợ hình thành collagen và tăng cường miễn dịch.
Nguồn thực phẩm: Cam, quýt, dâu tây, ớt chuông, và rau lá xanh.
Liều lượng: Khoảng 500 - 1000mg mỗi ngày có thể thúc đẩy quá trình hồi phục.
Sau mổ xương nên ăn thực phẩm giàu chất Vitamin K
Vai trò: Giúp tạo protein cần thiết cho quá trình đông máu và hình thành xương.
Nguồn thực phẩm: Rau lá xanh đậm như cải xoăn, cải bó xôi, và bông cải xanh.
Liều lượng: Khoảng 90 - 120mcg mỗi ngày.
Sau mổ xương nên ăn thực phẩm giàu Chất béo lành mạnh
Vai trò: Chất béo lành mạnh từ omega-3 có tác dụng chống viêm, giảm đau và hỗ trợ lành vết thương.
Nguồn thực phẩm: Cá hồi, cá mòi, quả bơ, dầu ô liu và các loại hạt.
Liều lượng: 2 - 3 phần cá giàu omega-3 mỗi tuần hoặc bổ sung khoảng 1 - 2g dầu cá mỗi ngày nếu cần.
Sau mổ xương nên ăn thực phẩm giàu chất sắt
Sắt tham gia vào quá trình sản sinh collagen, cung cấp oxy cho cơ tim và xương, giúp nâng cao khả năng hoạt động của tế bào xương. Trường hợp thiếu máu do thiếu sắt có thể dẫn đến suy giảm tế bào hồng cầu khỏe mạnh, điều này tác động tiêu cực tới quá trình hồi phục xương sau mổ. Do đó, người mới mổ xương xong nên ăn thịt đỏ, thịt gà, cá béo, hàu, rau chân vịt… để bổ sung sắt cho cơ thể.
Sau mổ xương nên ăn thực phẩm giàu Chất xơ
Vai trò: Phòng ngừa táo bón do ít vận động sau phẫu thuật.
Nguồn thực phẩm: Rau củ, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt, và các loại đậu.
Sau mổ xương nên uống đủ Nước
Vai trò: Giúp vận chuyển các chất dinh dưỡng đến các tế bào và thải độc tố ra khỏi cơ thể.
Liều lượng: Uống đủ nước hàng ngày, khoảng 1.5 - 2 lít hoặc hơn tùy theo nhu cầu.
Người mới mổ xương kiêng ăn gì?
Sau phẫu thuật xương khớp, ngoài việc chú trọng bổ sung các chất dinh dưỡng thiết yếu, người bệnh cũng cần kiêng một số loại thực phẩm để tối ưu hóa quá trình hồi phục, giảm nguy cơ viêm và ngăn ngừa các biến chứng. Dưới đây là những thực phẩm nên tránh hoặc hạn chế tối đa:
1. Thực phẩm nhiều đường và carbohydrate tinh chế
Bánh kẹo, nước ngọt, bánh mì trắng, đồ ngọt, và các loại đồ ăn nhẹ nhiều đường.
Tác hại: Đường và carbohydrate tinh chế làm tăng đường huyết nhanh chóng, gây viêm và cản trở quá trình lành xương. Chúng có thể dẫn đến tăng cân không mong muốn khi bệnh nhân ít vận động.
Nên Thay thế bằng các nguồn đường tự nhiên từ trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt.
2. Thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn nhanh
Thịt xông khói, xúc xích, đồ hộp, mì ăn liền, khoai tây chiên.
Tác hại: Chúng chứa nhiều chất bảo quản, chất béo bão hòa và muối, có thể gây viêm, làm tăng áp lực lên hệ tiêu hóa, dễ gây táo bón và làm chậm quá trình phục hồi.
Nên Sử dụng thực phẩm tươi, tự chế biến tại nhà để kiểm soát tốt hơn lượng muối và chất béo tiêu thụ.
3. Thực phẩm nhiều chất béo bão hòa và trans fat
Thực phẩm chiên rán, đồ nướng công nghiệp, bánh quy, bơ thực vật.
Tác hại: Chất béo bão hòa và trans fat dễ gây viêm, cản trở quá trình lành vết thương và có thể ảnh hưởng xấu đến tim mạch, nhất là khi bệnh nhân ít vận động sau phẫu thuật.
Nên Dùng chất béo lành mạnh từ dầu ô liu, dầu cá, bơ thực vật không chứa trans fat và các loại hạt.
4. Thực phẩm và đồ uống nhiều muối
Thức ăn đóng hộp, đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, dưa muối, và nước sốt đậm gia vị.
Tác hại: Muối làm tăng nguy cơ giữ nước, gây sưng nề, làm bệnh nhân khó chịu và có thể ảnh hưởng xấu đến huyết áp.
Nên Nấu ăn tại nhà và sử dụng các gia vị tự nhiên để hạn chế lượng muối.
5. Đồ uống có cồn và chất kích thích
Rượu, bia, cà phê, trà đen, nước tăng lực.
Tác hại: Rượu và bia có thể làm giảm hiệu quả của thuốc giảm đau và thuốc kháng sinh, gây ảnh hưởng đến quá trình hồi phục. Caffeine có thể gây mất nước và ảnh hưởng đến khả năng hấp thu canxi, không tốt cho xương khớp.
Nên Uống nước lọc, hoặc trà thảo mộc không chứa caffeine.
6. Thực phẩm gây khó tiêu và tạo khí
Đậu, bắp cải, súp lơ, nước ngọt có gas.
Tác hại: Những thực phẩm này có thể gây đầy bụng, khó tiêu và tạo cảm giác khó chịu khi hệ tiêu hóa đang yếu sau phẫu thuật.
Nên Ăn các loại rau dễ tiêu như cà rốt, bí đỏ, và hạn chế đồ uống có gas.
7. Thực phẩm chứa oxalate cao
Rau bina (cải bó xôi),củ cải đường, quả kiwi.
Tác hại: Oxalate có thể làm giảm khả năng hấp thu canxi, ảnh hưởng đến sự phục hồi xương.
Nên Ưu tiên các loại rau lá xanh khác như cải xoăn, cải bẹ xanh.
Tóm lại
Người bệnh sau phẫu thuật xương khớp nên ưu tiên các thực phẩm tươi, giàu dinh dưỡng và tránh các món ăn chế biến sẵn, nhiều đường, muối và chất béo bão hòa để hỗ trợ tối đa quá trình hồi phục.
- 1054 Quốc Lộ 51, P. Long Bình Tân, TP. Biên Hòa, T. Đồng Nai
- Hotline: 02513.988.888 - 0859 488 888
- Fanpage: https://fb.com/shingmarkhospital
- Website: http://shingmarkhospital.com.vn