Logo
CÁC RỐI LOẠN VỀ MẮT KHI SỬ DỤNG MÁY TÍNH

CÁC RỐI LOẠN VỀ MẮT KHI SỬ DỤNG MÁY TÍNH

Các triệu chứng thường gặp của hội chứng về mắt do sử dụng máy vi tính (CVS: Computer Vision Syndrom) là: Căng thẳng về mắt hay mệt mỏi thị giác, khô mắt, cảm giác rát mắt, chói sáng, nhìn mờ, đau đầu và mỏi vai, mỏi cổ và lưng . Nguyên nhân của các rối loạn: - Giảm lượng nước mắt đến giác mạc hay bị khô mắt

I. TỔNG QUÁT

  • Trong thời đại công nghệ số như hiện nay, việc sử dụng máy tính hay điện thoại để làm việc học tập là thường xuyên. Do đó, sẽ làm gia tăng các rối loạn hoặc các bệnh lý về mắt.
  • Khi sử dụng máy tính, điện thoại thường xuyên và kéo dài, hầu hết người sử dụng đều có triệu chứng đau mỏi mắt, khô mắt.
  • Hai rối loạn thường gặp là: khô mắt và rối loạn điều tiết. Hai rối loạn này có liên quan chặt chẽ với nhau.

II. KHÔ MẮT

1. Nguyên nhân

  • Nước mắt rất cần thiết để bảo vệ bề mặt nhãn cầu và duy trì thị lực. Với mỗi lần nháy mắt, nước mắt sẽ dàn đều trên bề mặt nhãn cầu giúp bôi trơn bề mặt nhãn cầu, giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn mắt, rửa trôi các dị vật trong mắt và giữ cho bề mặt giác mạc, kết mạc phẳng, sạch sẽ. Bệnh khô mắt xảy ra là hậu quả do mất cân bằng giữa tiết nước mắt và thoát đi của nước mắt. 
  • Bệnh khô mắt có nhiều nguyên nhân, trong đó việc sử dụng máy tính thường xuyên kéo dài là nguyên nhân thường gặp.
  • 3 yếu tố chính gây nên tình trạng khô mắt đó là: sự giảm tốc độ chớp mắt, sự chớp mắt không hoàn toàn và sự gia tăng diện tích tiếp xúc giác mạc khi sử dụng máy vi tính.
  • Thông thường trong khoảng 1 phút, mắt người sẽ chớp từ 12 - 18 lần, mỗi lần chớp nước mắt được tiết ra phủ lên toàn bộ mắt. Khi sử dụng máy tính do quá chăm chú nên số lần chớp mắt ít hơn bình thường (chỉ bằng khoảng 2/3 số lần so với bình thường). Dẫn đến giảm số lượng và chất lượng nước mắt phủ trên giác mạc. 
  • Ngoài ra, môi trường làm việc: phòng máy lạnh, đặt hướng quạt máy không phù hợp, trong phòng bật nhiều thiết bị điện làm tăng tỏa nhiệt … các yếu tố đó làm tăng bốc hơi nước mắt gây khô mắt. 

2. Biểu hiện 

Nếu sử dụng máy tính ít và bảo vệ mắt hợp lý ta có thể mắc triệu chứng nhẹ như mỏi mắt thoáng qua, nghỉ ngơi sẽ ổn.

Nhưng nếu sử dụng máy tính trong thời gian dài sẽ gây ra các triệu chứng nặng hơn như: 

  • Cảm giác mắt khô, nóng rát, cay, cộm như có dị vật trong mắt.
  • Sợ ánh sáng, sợ gió, sợ ngồi trước quạt, chỉ muốn nhắm mắt.
  • Chảy nước mắt, đỏ mắt.
  • Nhìn mờ.
  • Đau mắt, có thể có cảm giác đau sâu trong hốc mắt.
  • Quan trọng hơn, cần hiểu là việc sử dụng mắt để nhìn gần kéo dài (xem máy tính, điện thoại hay đọc sách lâu, may thêu kéo dài … ) là gây stress tại mắt, điều đó có thể gây nặng nề hơn bệnh cảnh tại mắt sẵn có, hoặc gây khởi phát đợt cấp của một bệnh lý mắt mạn tính.

III. RỐI LOẠN ĐIỀU TIẾT – MỎI ĐIỀU TIẾT

Mỏi mắt hay còn gọi là mỏi điều tiết mắt là tình trạng phổ biến xảy ra khi mắt phải duy trì cự ly nhìn gần liên tục trong một khoảng thời gian dài. Tình trạng này gây ra cảm giác khó chịu nhưng không quá nghiêm trọng, mắt sẽ cải thiện tốt hơn sau khi được nghỉ hoặc thực hiện các phương pháp thư giãn, giảm bớt sự khó chịu. Trong một số trường hợp mỏi điều tiết kéo dài, không thuyên giảm, thì cần thực hiện thăm khám và điều trị.

1. Nguyên nhân

  • Màn hình máy vi tính tạo hình ảnh từ vô vàn những điểm ảnh gọi là “pixels”. Vì vậy, khi nhìn hình ảnh trên màn hình máy vi tính, mắt rất khó định thị một cách nhanh chóng. Điều này làm cho các cơ của mắt phải hoạt động liên tục để mắt có thể định thị và tái định thị khi nhìn màn hình. Việc hoạt động mắt quá mức như thế này theo thời gian sẽ gây ra tình trạng mỏi mắt.
  • Làm việc bằng máy tính, hay điện thoại là làm việc trong khoảng cách gần. Khoảng cách càng gần, mắt càng phải điều tiết nhiều (các cơ mắt căng giãn nhiều, thủy tinh thể phồng lên nhiều) để có thể thấy được, vì vậy mắt sẽ càng mệt. Làm việc trên điện thoại sẽ mỏi mắt hơn so với làm việc trên máy tính trong cùng một thời lượng sử dụng. 
  • Tuổi càng cao thì khả năng điều tiết của mắt càng giảm, sẽ mau mỏi mắt khi nhìn gần. 

2. Biểu hiện

  • Đau mỏi mắt. 
  • Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.
  • Sợ ánh sáng, chỉ muốn nhắm mắt. 
  • Lứa tuổi gần đến tuổi lão thị (khoảng 40 tuổi) sẽ dễ bị mỏi điều tiết hơn (vì ráng cố gắng để nhìn gần mà không mang kính lão). Còn lứa tuổi lão thị thì phải mang kính lão mới có thể nhìn gần được.

* Cần giải thích thêm đôi chút về lão thị: người chính thị khi đến tuổi lão thị thì phải mang kính lão. Còn người có tật khúc xạ (cận thị, loạn thị, hay viễn thị trước đó) khi đến tuổi lão thị có người không cần mang kính khi nhìn gần, hoặc sẽ mang  kính lão thấp độ hoặc cao độ hơn so với kính nhìn xa trước kia (nên được khám và chỉ định đeo kính từ Bs Nhãn khoa hoặc kỹ thuật viên khúc xạ).

IV. CÁC BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC VÀ PHÒNG NGỪA

Khô mắt và mỏi điều tiết là hai rối loạn liên quan nhau, có những biểu hiện triệu chứng tương tự nhau, vì vậy khi bảo vệ mắt tốt sẽ khắc phục được cả hai rối loạn trên.

1. Thời gian sử dụng máy tính và nghỉ ngơi hợp lý

  • Quy tắc 20 – 20 – 20 : 20 phút – 20 feet – 20 giây: khi làm việc trên máy tính với khoảng cách 50cm, thời gian làm không quá 20 phút. Đứng dậy bước ra phía cửa để phóng tầm mắt ra xa 20 feet – khoảng 6m- giữ tầm nhìn xa đó 20 giây. 
  • Nếu làm việc trên điện thoại, thì khoảng cách nhìn gần càng thu ngắn lại, và mắt sẽ mau bị mệt hơn, nên mắt cần phải được nghỉ sớm hơn và lâu hơn quy tắc 20-20-20.
  • Mỗi 1 – 2 giờ làm việc nên nghỉ ngơi 15 phút để mắt và toàn thân được thư giãn.  Nên massage mắt mỗi 2 lần/ngày, mỗi lần 10 phút (video hướng dẫn massage).

2. Để ý đến tần suất chớp mắt

Chớp mắt nhiều hơn và giữ mắt nhắm lâu hơn khi chớp (3 giây) để lớp nước mắt dàn trải đều trên giác mạc.

3. Bố trí phòng làm việc với ánh sáng và nhiệt độ phù hợp

- Không nên để máy quạt, hay máy điều hòa thổi trực diện vào mặt sẽ làm mắt khô

- Sự chiếu sáng thích hợp:

  • Điều kiện chiếu sáng trong phòng, sự chói sáng và phản xạ từ màn hình. Ánh nắng mặt trời và đèn trong văn phòng đều có thể phản xạ lên màn hình và làm cho mắt bạn khó chịu.      
  • Sắp đặt vị trí màn hình sao cho cửa sổ ở về một bên. 
  • Chỉnh màn cửa sao cho ánh nắng mặt trời không chiếu trực tiếp lên màn hình và mắt.
  • Tắt bớt đèn trên trần nhà nếu quá sáng còn trong trường hợp ngược lại có thể sử dụng một ngọn đèn bàn có chụp (đặt đèn tại vị trí sao cho ánh đèn không phản chiếu lên màn hình).
  • Có thể đặt thêm kính lọc cho màn hình để lọc bớt ánh sáng chói từ màn hình (các màn hình tinh thể lỏng thế hệ mới có thể giúp tránh hiện tượng này).
  • Nên thường xuyên lau bụi cho màn hình vì bụi sẽ làm giảm tương phản (contrast) của màn hình.
  • Điều chỉnh lượng ánh sáng trong phòng không quá sáng hoặc quá tối.
  • Điều chỉnh độ sáng và độ tương phản của màn hình để mắt cảm thấy dễ chịu.

- Cỡ chữ và màu sắc

  • Cỡ chữ lý tưởng là cỡ chữ gấp 3 lần cỡ chữ nhỏ nhất có thể đọc được. Muốn chỉnh được cỡ chữ này bạn chỉ cần đứng xa máy tính một khoảng cách gấp 3 lần khoảng cách thông thường và chỉnh cỡ chữ sao cho nhỏ nhất mà bạn vẫn có thể đọc được.
  • Chọn chữ đen trên nền trắng hoặc chữ đậm trên nền sáng. 

- Việc sắp xếp chỗ ngồi làm việc

  • Việc sắp xếp chỗ ngồi làm việc không hợp lý sẽ dẫn tới đau đầu, mỏi cổ, mỏi gáy và mỏi vai.
  • Để màn hình thẳng ngay trước mặt , không để lệch về một bên.
  • Màn hình nên được đặt cách mắt 50cm, tâm của màn hình nên đặt thấp hơn tầm mắt khoảng 10cm ( vì mắt của chúng ta chỉ làm việc thoải mái khi chúng ta liếc nhẹ xuống khi đọc sách cũng như khi làm việc gần).
  • Nếu phải đánh máy 1 văn bản, việc nhìn lên xuống giữa màn hình và văn bản có thể gây mỏi mắt, nên sử dụng 1 kẹp giấy để kẹp văn bản đứng lên và sát vào màn hình.
  • Khi ngồi nên chỉnh ghế sao cho 2 cẳng tay song song với nền  nhà, 2 đùi vuông góc với cẳng chân và 2 bàn chân  đặt phẳng trên nền nhà.
  • Giữ thẳng lưng và 2 vai giữ ngang bằng.

4. Đeo kính với độ phù hợp, và loại tròng có tác dụng hạn chế ánh sáng xanh từ màn hình

  • Việc sử dụng kính phải được thăm khám và chỉ định bởi BSCK Mắt hoặc các kỹ thuật viên khúc xạ
  • Hiện nay, ngoài công dụng giúp mắt nhìn rõ khi mắt có tật khúc xạ, tròng kính còn kèm theo các công dụng khác như: giảm chói, lọc bớt ánh sáng xanh của màn hình..., khi đeo vào sẽ giúp mắt bớt mỏi.
  • Đối với người có tật khúc xạ thì việc quan trọng là phải khám mắt và mang kính điều chỉnh phù hợp để mắt nhìn rõ.
  • Đối với người mắt chính thị, có thể đeo tròng kính không độ, loại tròng có tác dụng giảm ánh sáng xanh, giảm độ chói màn hình
  • Đối với người mắt chính thị đến tuổi lão thị (thường là lứa tuổi trên 40) thì nên có loại kính lão phù hợp với khoảng cách trung gian và khoảng cách gần. 
  • Nếu người có tật khúc xạ đến tuổi lão thị (> 40 tuổi) thì nên gặp Bs Nhãn khoa hoặc Kỹ thuật viên khúc xạ có kinh nghiệm để tư vấn việc chọn loại kính phù hợp để đeo khi làm việc máy tính (khoảng cách nhìn trung gian) hoặc  để xem điện thoại, đọc sách.. (khoảng cách nhìn gần).

5. Sử dụng thuốc hỗ trợ 

- Bổ sung thêm nước mắt nhân tạo hàng ngày để mắt được giữ ẩm lâu hơn

Trên thị trường có rất nhiều loại nước mắt nhân tạo, tuy nhiên nên lựa chọn những hãng dược phẩm có uy tín để có được hiệu quả tốt. Nước mắt nhân tạo có nhiều loại gồm những thành phần hóa học khác nhau:

  • Thành phần Natri hyaluronate: Sanlein, Hylaform, Vismed...
  • Thành phần Natri carboxymethylcellulose: Refresh tear ...
  • Thành phần  Polyethylen glycol 400, Propylen glycol: Systane , Systane ultra, Novotane ultra...

- Nên gặp Bs Nhãn khoa để được khám và tư vấn sử dụng loại nước mắt nhân tạo phù hợp với từng bệnh cảnh khô mắt. 

Ngoài ra chế độ ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh chất xơ cũng giúp cơ thể và mắt được khỏe mạnh. 

Chúc các bạn có đôi mắt tinh tường và khỏe để làm việc hiệu quả!

     
      BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC SHING MARK

 

Các tin khác