BỆNH TAY CHÂN MIỆNG
HÃY CẢNH GIÁC VỚI BỆNH TAY CHÂN MIỆNG!
Trong 5 tháng đầu năm 2023 cả nước đã ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng tạicác tỉnh, thành phố; trong đó có 3 trường hợp tử vong tại: Đắk Lắk, Kiên Giang, Long An.
Tại Đồng Nai, số ca mắc tay chân miệng tăng nhẹ ở các huyện Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Định Quán; cộng dồn đến hết tuần 21/2023 đã ghi nhận 740 ca bệnh tay chân miệng trên toàn tỉnh.
Nhiều ca đã phân lập là do tác nhân Enterovirus 71 (EV 71) - là chủng virus tay chân miệng gây độc thần kinh nghiêm trọng, gây viêm não, viêm cơ tim, tổn thương đa cơ quan, khả năng diễn tiến nặng nhanh gây tử vong cao.
Hiện nay chưa có vaccine phòng ngừa cũng như không có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng nên việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ và theo dõi biến chứng.
Chính vì thế việc phát hiện sớm dấu hiện bệnh, đưa trẻ đi khám kịp thời đóng vai trò quan trọng để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
BỆNH TAY CHÂN MIỆNG LÀ GÌ?
Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thuộc nhóm Coxsackievirus và Enterovirus gây ra.
Bệnh lây từ người sang người chủ yếu qua đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của người bệnh.
Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt dịch bùng phát.
KHI NHIỄM BỆNH SẼ XUẤT HIỆN TRIỆU CHỨNG GÌ?
• Trẻ em khi bị nhiễm bệnh Tay Chân Miệng sẽ bị sốt, mệt mỏi, biếng ăn, đau họng và quấy khóc.
• Xuất hiện bóng nước và vết loét trong họng.
• Phát ban bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, quanh miệng hoặc mông.
BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG BỆNH TAY CHÂN MIỆNG
Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em),đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Theo dõi phát hiện sớm: Thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám và cách ly, điều trị kịp thời theo hướng dẫn của bác sĩ tránh lây bệnh cho các trẻ khác.
----------
BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC SHING MARK
1054 Quốc Lộ 51, P. Long Bình Tân, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai
Hotline: 02513.988.888
Website: http://shingmarkhospital.com.vn/