Logo
BỆNH CÚM – LỊCH SỬ VÀ HIỆN TẠI

BỆNH CÚM – LỊCH SỬ VÀ HIỆN TẠI

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS CKII Trần Ngọc Huy - Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark

1. Bệnh Cúm là gì?

Bệnh Cúm là bệnh đường hô hấp cấp tính thường gặp hằng năm, bệnh do virus Cúm (Influenza Virus) gây ra. Bệnh có nhiều triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, ho, chảy mũi… có thể kèm thêm các biểu hiện của đường tiêu hóa như buồn nôn và nôn, tiêu chảy… Bệnh thường gặp ở đối tượng trẻ em, người lớn tuổi hoặc người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim, phổi, gan, suy giảm miễn dịch…). Một số trường hợp diễn tiến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi có thể dẫn đến tử vong.

2. Lịch sử bệnh Cúm

Bệnh Cúm được ghi nhận đầu tiên trong quyển sách thứ sáu của Hippocrates năm 412TCN, mô tả một căn bệnh truyền nhiễm cao với các triệu chứng giống Cúm.

Bệnh Cúm phát hiện từ thể kỷ XIV tại nước Ý, năm 1357. Tên gọi Cúm (Influenza) được đặt từ tiếng Ý (“La influenza” có nghĩa là thăm viếng). Đại dịch Cúm đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử vào năm 1580 tại Ý. Đại dịch này lan dọc theo Con đường Tơ lụa, ghi nhận hàng triệu người mắc và làm hàng chục ngàn người tử vong.

Thế kỷ 19 ghi nhận có nhiều dịch Cúm diễn ra trên khắp thế giới. Năm 1918 – 1919, năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất, bệnh Cúm lan nhanh trong giới binh sĩ châu Âu, đặc biệt tại Tây Ban Nha và Hoa kỳ. Đại dịch gây ra nỗi kinh hoàng trên toàn thế giới với khoảng 50 triệu ca tử vong trên toàn thế giới (kéo tuổi thọ trung bình ở Hoa kỳ giảm khoảng 12 năm).

Sau Đại dịch Cúm 1918, phong trào nghiên cứu tìm hiểu về bệnh Cúm được phát động rộng rãi. Năm 1933, các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Y khoa Quốc gia Anh (tại Luân Đôn) đã phân lập virus Cúm A. Đến năm 1938, vaccine cúm A lần đầu được chủng ngừa cho binh sĩ Hoa kỳ. Năm 1940, virus Cúm B lần đầu được phân lập trên bệnh nhi bị bệnh đường hô hấp. Đến năm 1948, vaccine Cúm đầu tiên ngừa được hai chủng (Cúm A và B).

Sau phát minh vaccine Cúm, tỉ lệ bệnh Cúm giảm trên toàn thế giới, đánh dấu bước ngoặc trong phòng ngừa và điều trị bệnh Cúm. Tuy nhiên, một số đợt dịch Cúm nhỏ vẫn diễn ra rải rác từng thời điểm trên toàn thế giới.

Đại dịch Cúm gần nhất ghi nhận là năm 2009, dịch Cúm H1N1 được phát hiện tại Hoa kỳ. Đại dịch Cúm này kéo dài hơn 1 năm, lây nhiễm cho hàng trăm triệu người và có hơn 500.000 người tử vong trên toàn thế giới.

3. Bệnh Cúm hiện tại

Hiện dịch Cúm đang hoành hành trên khắp Châu Á. Nhật Bản đang trải qua đợt dịch Cúm tồi tệ nhất. Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kong cũng đang trải qua dịch Cúm leo thang với số ca mắc tăng lên hàng ngày.

Tại Việt Nam, dịch Cúm đang có xu hướng tăng với các chủng Cúm A (H1N1, H3N2) và cúm B. Từ cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên Đán, dịch Cúm đang diễn biến ngày càng phức tạp. Bộ Y Tế đã đưa ra nhiều khuyến cáo để phòng ngừa bệnh Cúm, trong đó việc tiêm chủng vaccine là biện pháp phòng ngừa chủ động bệnh Cúm tốt nhất.

Tại Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark có đủ vaccine Cúm mới nhất cho trẻ em và người lớn. Mọi người nên đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa khám sàng lọc và tiêm ngừa để phòng chống bệnh Cúm hiệu quả nhất.

 

BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC SHING MARK

 

 

 

Các tin khác