Logo
ẢNH HƯỞNG CỦA BỆNH RUBELLA ĐẾN THAI KỲ

ẢNH HƯỞNG CỦA BỆNH RUBELLA ĐẾN THAI KỲ

Rubella hay còn gọi là sởi Đức, là bệnh do virus rubella gây ra. Bệnh thường được biểu hiện lâm sàng dưới dạng nhiễm trùng nhẹ. Phụ nữ bị nhiễm rubella lúc mang thai có thể dẫn đến sẩy thai, thai chết lưu hoặc hội chứng rubella bẩm sinh ở con (CRS - Congenital Rubella Syndrome). Hiện nay con người là vật chủ duy nhất được biết đến của virus rubella, khi bị nhiễm hoặc được chủng ngừa sẽ có miễn dịch suốt đời.

1.      Biểu hiện lâm sàng khi nhiễm rubella.

Khi nhiễm rubella triệu chứng thường nhẹ với tình trạng phát ban khá đặc trưng dạng sẩn đỏ, phân bố rộng và lan tỏa, có thể kèm theo ngứa, bắt đầu xuất hiện trên vùng mặt, sau đó lan ra khắp thân mình và tay chân, ban thường tự hết trong vòng 3 ngày, thứ tự biết mất ngược lại so với khi xuất hiện ban. Một số trường hợp có các triệu chứng khác như sốt nhẹ, đau họng, viêm kết mạc, chảy mũi, nổi hạch ngoại biên, đau khớp. Lưu ý có khoảng 25-50% bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng.

2.      Bệnh rubella lây truyền như thế nào?

Rubella lây truyền từ người sang người thông qua các giọt bắn hô hấp. Khả năng lấy nhiễm cao nhất ở thời điểm phát ban. Tuy nhiên có thể lây nhiễm trước và sau phát ban 7 ngày.

Bào thai nhiễm virus rubella qua đường máu. Sau khi vào nhau thai, virus phát triển trong hệ thống mạch máu của bào thai, gây nên tổn thương tế bào mạch máu và thiếu máu cục bộ ở các cơ quan đang phát triển, từ đó gây ra hội chứng rubella bẩm sinh.

Trẻ bị hội chứng rubella bẩm sinh có thể lây truyền virus trong khoảng thời gian 12 đến 18 tháng.

3.      Hội chứng rubella bẩm sinh (CRS).

Bao gồm các dị tật bẩm sinh do nhiễm virus rubella gây nên trên nhiều hệ thống cơ quan như tim mạch (dị tật vách ngăn tim, hẹp động mạch phổi, còn ống động mạch),hệ thần kinh (tật đầu nhỏ, viêm não, giãn não thất, điếc thần kinh, chậm phát triển tâm thần, chứng tự kỷ),bất thường về mắt (mắt nhỏ, đục thủy tinh thể),các rối loạn nội tiết, thai chậm tăng trưởng, gan lách to…

 Nguy cơ CRS thay đổi tùy theo tuổi thai tại thời điểm mẹ bị nhiễm. Nếu mẹ nhiễm rubella trong 2 tháng đầu thai kỳ, nguy cơ CRS 65 – 85%. Trường hợp mẹ nhiễm trong tháng thứ 3 thai kỳ, nguy cơ CRS khoảng 30-35% và thường tổn thương chỉ liên quan đến một cơ quan đơn lẻ (điếc hoặc tim bẩm sinh). Ở tháng thứ 4 nguy cơ CRS giảm xuống chỉ còn 10%. Sau tuần thứ 20 của thai kỳ nguy cơ CRS chỉ còn rất thấp và dường như chỉ có 1 di chứng duy nhất là thai chậm phát triển trong tử cung.

4.      Ảnh hưởng lên thai kỳ và trẻ sinh ra

Phụ nữ đang mang thai nhiễm Rubella cũng có biểu hiện lâm sàng tương tự với người bình thường. Đối với thai phụ nhiễm Rubella, điều đáng quan tâm nhất chính là những dị tật của thai nhi trong bụng mẹ do hội chứng Rubella bẩm sinh gây ra. Hội chứng rubella bẩm sinh là tình trạng xảy ra ở thai nhi đang phát triển trong bụng mẹ bị nhiễm virus rubella. Phụ nữ mang thai nhiễm rubella có nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu, hoặc trẻ sinh ra với những dị tật bẩm sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển lâu dài. CRS có thể ảnh hưởng đến sự phát triển toàn bộ của trẻ. Các khuyết tật bẩm sinh phổ biến nhất từ ​​CRS có thể bao gồm:

-                    Điếc

-                    Đục thủy tinh thể

-                    Khuyết tật tim

-                    Thiểu năng trí tuệ

-                    Tổn thương gan và lách

-                    Trẻ nhẹ cân khi sinh

-                    Phát ban ở da khi sinh

-                    Các biến chứng ít gặp hơn từ CRS có thể bao gồm:

-                    Bệnh tăng nhãn áp

-                    Tổn thương não

-                    Viêm phổi

-                    Các vấn đề về tuyến giáp và hormone khác

Khi người phụ nữ mới nhiễm rubella trước khi mang thai hoặc trong 3 tháng đầu thai kì, họ có 90% nguy cơ truyền virus cho thai nhi:

-                    Nếu bị nhiễm rubella trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ, thai nhi có nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh, phổ biến nhất là các vấn đề về mắt, thính giác và tổn thương tim.

-                    Nếu thai nhi bị nhiễm rubella trong khoảng 12 - 20 tuần của thai kỳ, các vấn đề thường nhẹ hơn.

-                    Nếu thai nhi bị nhiễm rubella sau tuần thứ 20 của thai kỳ thường không có vấn đề gì.

Để có thể phòng tránh được hội chứng Rubella bẩm sinh, tiêm vaccine phòng ngừa trước khi mang thai là điều quan trọng và thiết yếu đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

5.      Chẩn đoán nhiễm rubella ở mẹ.

Việc chẩn đoán chính xác nhiễm rubella trong thai kỳ rất quan trọng và xác định dựa vào xét nghiệm huyết thanh của mẹ. Xét nghiệm huyết thanh học miễn dịch  được sử dụng phổ biến rộng rãi là đo hiệu giá IgG và IgM đặc hiệu cho rubella.

Hiện nay xét nghiệm huyết thanh rubella được nhiều cơ sở y tế đưa vào sàng lọc thường quy cho phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu thai kỳ.

6.      Chẩn đoán nhiễm rubella ở con.

Hiện tại không có tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán trước sinh về nhiễm rubella cho con. Xét nghiệm PCR rubella, nuôi cấy virus, IgM rubella cho thai nhi có thể thực hiện sau sinh thiết gai nhau, lấy mẫu máu thai nhi hoặc chọc dò dịch ối. Chọc ối được khuyến cáo làm tại thời điểm ít nhất 6 tuần sau khi biết mẹ bị nhiễm virus và sau tuần 20 thai kỳ.

Với các dấu hiệu bất thường trên siêu âm liên quan với CRS, không có dấu hiệu nào đặc trưng cho nhiễm trùng rubella bẩm sinh, do đó khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường trên siêu âm, thai phụ cần được đánh giá về các bệnh nhiễm virus bẩm sinh khác, trong đó bao gồm cả virus rubella.

7.      Dự phòng hội chứng rubella bẩm sinh.

Biện pháp tốt nhất để phòng ngừa hội chứng rubella bẩm sinh chính là tiêm ngừa vắc xin.

Vắc xin rubella có các dạng sau: đơn giá, nhị giá( sởi, rubella),hoặc tam giá ( MMR: sởi, quai bị, rubella).

MMR có thể tiêm 1 hay 2 liều.

Chích MMR 1 liều có hiệu quả ngừa sởi 93%, quai bị 78% và rubella 97%.

Chích MMR 2 liều có khả năng bảo vệ là 97% cho sởi, 88% cho quai bị và 99% cho rubella.

--------------------------------------------

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số 02513 988 888. Ngoài ra, Quý khách có thể Đăng ký tư vấn từ xa TẠI ĐÂY

-------------------------------------------

BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC SHING MARK

Hotline: 02513.988.888 - 80034

1054 Quốc Lộ 51, P.Long Bình Tân, Tp.Biên Hòa, Đồng Nai

FaceBook: https://www.facebook.com/shingmarkhospital

Sức Khỏe của bạn - Trách nhiệm của chúng tôi

Các tin khác