Logo
PHÒNG CHỐNG ĐAU VAI SAU ĐỘT QUỴ NÃO

PHÒNG CHỐNG ĐAU VAI SAU ĐỘT QUỴ NÃO

BỆNH VIỆN ĐHYD SHING MARK
  • Đau vai ảnh hưởng đến bệnh nhân đột quỵ như thế nào?
Sự hiện diện của đau vai ảnh hưởng lên bệnh nhân đột quỵ theo nhiều cách. Nó có thể tác động xấu lên khả năng sử dụng tay và bàn tay trong sinh hoạt thường ngày, cũng như trong chương trình điều trị phục hồi chức năng. Bệnh nhân khó làm các động tác theo ý muốn, khó tập luyện hơn. Một số người vì đau vai nhiều mà bị mất ngủ, khó kiểm soát tăng huyết áp và thậm chí là trầm cảm. Nói chung, đối với đa số bệnh nhân thì đau vai làm giảm chất lượng cuộc sống vốn đã xấu đi sau đột quỵ.
  • Làm cách nào để phòng ngừa và xử lý đau vai sau đột quỵ?
Đau vai thường không phải là hậu quả trực tiếp của đột quỵ nhưng thực tế nó lại hay xảy ra sau đột quỵ. Bởi thế, để phòng ngừa và xử trí hiện tượng đau này cần phải có sự phối hợp tốt của cả bác sĩ, bệnh nhân lẫn người chăm sóc. Sau đây là những điều nên và không nên làm:
  • Nên làm:
-Luôn đánh giá tình trạng đau vai: tất cả những bệnh nhân đột quỵ nên được đánh giá xem có đau vai không, khi thấy triệu chứng đau xuất hiện nên điều trị sớm để giảm thiểu đau đớn và chấn thương khớp.
-Tìm những yếu tố gây ra đau vai và thúc đẩy đau nặng thêm: bệnh nhân quan sát kỹ và báo cho bác sĩ biết bất cứ hiện tượng đau nào hoặc sự thay đổi tính chất đau hiện có.
-Trợ giúp tay bị liệt một cách thích hợp: nâng đỡ tay cẩn thận trong quá trình làm việc; đeo đai vai khi đi lại, đứng và thậm chí cả khi ngồi; chống đỡ và di chuyển tay cẩn thận khi thay đổi tư thế nằm.
-Đeo đai vai đúng cách: nếu đeo không đúng sẽ không đạt được sự hỗ trợ thích hợp cho tay bệnh mà còn có thể gây thêm hậu quả xấu.
-Đặt vị trí tay bên liệt hợp lý: luôn luôn đặt tay ở vị trí sao cho có thể giảm thiểu đau vai. Khi bệnh nhân ngồi, cần nâng đỡ tay này bằng máng đỡ, kê gối hay đặt trên mặt bàn. Khi nằm phải kê gối ở tay và giữa hai chân để tạo tư thế nằm thật tự nhiên. Luôn đảm bảo rằng không kê tay quá cao hoặc quá thấp. Tay bên yếu liệt cũng cần được để thoải mái và ưu tiên hoạt động hơn tay lành.
-Tự tập luyện: các bài tập vừa có tác dụng phục hồi chức năng vừa phòng chống được đau vai, nhưng phải do thầy thuốc trực tiếp hướng dẫn.
-Chăm sóc bệnh nhân cẩn thận: ví dụ khi giúp họ thay quần áo cần theo nguyên tắc “phần nào vào trước thì phần đó sẽ ra sau”; khi ngồi trên xe lăn phải cho bệnh nhân dựa vững chắc và thoải mái, không để ngồi khom người, lệch vẹo hoặc buông thõng tay.
  • Không nên làm:
-Không sử dụng ròng rọc trên không: việc kéo tay bên liệt bằng ròng rọc có thể gây ra những vận động khớp không đúng cách và đau vai.
-Không kéo cánh tay hoặc xốc nách khi di chuyển bệnh nhân, vì có thể làm đau đớn và tổn thương cho mô mềm quanh khớp vai.
-Không tự thực hiện những bài luyện tập khi chưa được hướng dẫn kỹ thuật cặn kẽ.
-Không đeo đai vai khi bệnh nhân ngồi hay nằm nghỉ, và không nên đeo đai vai liên tục trong một thời gian dài vì nó có thể dẫn đến các biến chứng khác nữa.
  • Đeo đai nâng vai thế nào cho đúng cách?
Bệnh nhân liệt thường được khuyên đeo đai vai để nâng đỡ tay bên liệt trong quá trình di chuyển nhờ người khác hay khi họ tự mình đi đứng. Ngoài những lúc này thì nên cởi đai vai ra và đặt cánh tay thoải mái trên giường có kê bằng gối, hoặc trên cái máng đỡ tay của xe lăn…. Đeo đai liên tục trong thời gian dài có thể dẫn tới giới hạn vận động khớp, tạo hình liệt cứng xấu, và gây ra sự tù túng, kém vận động cho cánh tay, làm hạn chế khả năng sinh hoạt của tay bên yếu liệt. Để nâng đỡ tay có hiệu quả thì đai vai phải được dùng đúng cách theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Nói chung, đeo đai thấp quá thì không đủ nâng đỡ tay, gây xệ vai, đau vai; đeo đai cao quá dễ gây bán trật khớp lên trên; đeo áp sát vào thành ngực quá dễ gây bán trật khớp ra trước, nên để cánh tay tạo với thân mình một góc 300.
---------------
BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC SHING MARK
1054 Quốc Lộ 51, P. Long Bình Tân, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai
Hotline: 02513.988.888 - 0859 488 888
 
 

Các tin khác