Logo
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH HEN SUYỄN Ở NGƯỜI LỚN

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH HEN SUYỄN Ở NGƯỜI LỚN

Hen suyễn là bệnh mạn tính của đường hô hấp khá phổ biến ở nước ta. Hen phế quản cấp ở người lớn được chẩn đoán dựa vào tiền sử bệnh của bản thân, gia đình và các triệu chứng thăm khám trên lâm sàng.

I. MỞ ĐẦU

Hen phế quản là một bệnh phổi mãn tính. Khi người bệnh phơi nhiễm với dị ứng nguyên, phế quản bị co thắt cấp tính, niêm mạc phế quản viêm phù nề, tăng tiết nhầy trong lòng đường thở. Hen xảy ra ở mọi lứa tuổi, khi khởi phát ở người trưởng thành là hen ở người lớn. 

Hen phế quản ở người lớn không hiếm gặp. Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ (ALA),cứ 12 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh hen suyễn. Đa số trường hợp, những người này từng mắc bệnh hen suyễn trong thời thơ ấu, đến lúc trưởng thành thì “hết” bệnh hen, sau đó tái phát ở tuổi >30, thậm chí xuất hiện ở tuổi 50 - 60. 

II. CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ VÀ KHỞI PHÁT CƠN HEN

Cần tránh thức ăn, uống có thể khởi phát cơn hen mà người bệnh đã bị trước đó. Ví dụ : 

Dị nguyên thực phẩm: các loại hải sản (tôm, cua, cá, sò…),trứng, thịt gà, lạc.

  • Thuốc: Một số loại thuốc cũng có thể là yếu tố khởi phát cơn hen, như aspirin, penicillin…
  • Thuốc trị cao huyết áp gây co thắt phế quản như propranolol, nadolol

Thuốc ho: có chứa acetylcystein và thận trọng với bromhexin, guaifenesin… vì nguy cơ co thắt phế quản.

Các yếu tố gây khởi phát cơn hen khác nhau tùy theo từng người bệnh.

Nguy cơ mắc bệnh hen phế quản ở người trưởng thành hay gặp là

  1. Có tiền căn hen lúc nhỏ, hen hết khi vị thành niên 
  2. Bị dị ứng khi trưởng thành
  3. Có sự dao động nội tiết tố: xảy ra trong thời kỳ mang thai và mãn kinh
  4. Béo phì, có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng hen suyễn và nguy cơ nhập viện

III. TRIỆU CHỨNG HEN SUYỄN KHỞI PHÁT Ở NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH 

Cơn hen phế quản cấp thường xảy ra vào ban đêm, triệu chứng thay đổi rất nhanh

Các triệu chứng của bệnh hen khởi phát ở người trưởng thành có thể bao gồm:

  • Ho khan hoặc ho có đàm nhầy, thở khò khè trong lồng ngực,
  • Khó thở hụt hơi, tức ngực hoặc nặng ngực
  • Cảm lạnh dường như kéo dài

 

Ở người lớn khi bị hen phế quản, các triệu chứng thường dai dẳng và khó kiểm soát hơn hen ở trẻ em Hen ở người lớn cũng có nguy cơ tử vong do cơn hen nặng (còn gọi là ác tính) cao hơn trẻ em vì bệnh nhân thường có nhiều bệnh khác phối hợp như bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay bệnh bị chẩn đoán muộn.

IV. CHẨN ĐOÁN

Các bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh hen suyễn khởi phát ở người trưởng thành thông qua khám thực thể, tiền sử bệnh. Chụp X quang phổi đo chức năng hô hấp có thử thuốc Giãn phế quản giúp ích chẩn đoán.

Đối với bệnh nhân hen ở người trưởng thành, các bác sĩ sẽ cần thêm các xét nghiệm thích hợp cho từng  trường hợp cụ thể để chẩn đoán phân biệt hen với bệnh khác như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, dị vật phế quản, hen tim, tràn khí màng phổi hoặc người bệnh có bệnh khác kèm theo làm nặng thêm tình trạng hen.

V. HEN PHẾ QUẢN LÀ BỆNH ĐIỀU TRỊ ĐƯỢC

Mặc dù y học hiện nay không thể điều trị dứt hẳn bệnh hen phế quản, nhưng các biện pháp điều trị hiện tại, tiến bộ thuốc men giúp người bệnh kiểm soát cơn hen, giảm số lần tái phát cơn hen và ngừa những cơn hen nặng cần phải nhập viện hay tử vong do hen..

Khi bệnh hen được kiểm soát tốt người bệnh:

  • Có thể sinh hoạt tương đối bình thường
  • Ngừa các cơn hen cấp  phải nhập cấp cứu hay phải nhập viện

Do vậy, người bệnh cần phải:

  • Tuân thủ điều trị hen kết hợp điều trị bệnh nền đầy đủ
  • Tránh các yếu tố nguy cơ gây khởi phát cơn hen nếu có thể được
  • Dùng thuốc trị hen suyễn đúng cách đúng liều 
  • Theo dõi bệnh: ghi lại các triệu chứng
  • Tái khám bệnh định kỳ
  • Chích ngừa cúm hằng năm 

VI. CÁC LOẠI THUỐC ĐIỀU TRỊ BỆNH HEN PHẾ QUẢN

Phác đồ điều trị hen có : 

  • Điều trị duy trì khi người bệnh không có cơn hen kịch phát cấp tính
  • Điều VI trị cắt cơn hen kịch phát cấp tính

Thuốc ngừa cơn cần xử dụng hằng ngày, dài hạn

Những loại thuốc này gồm có: Corticosteroid dạng hít, Montelukast, Omalizumab (anti-IgE).

Hoặc Symbicort, Seretide (thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài LABA) phối hợp cortisteroids dạng hít.

Thuốc cắt cơn: tác dụng mở phế quản nhanh trong vòng 3’- 5’ chỉ định cho những người bị hen phế quản. Dùng để cắt cơn ho, cơn khó thở, khò khè để giúp giảm thiểu các triệu chứng khi bùng phát.

  • Nhóm giãn phế quản loại tác dụng nhanh, có thời gian tác dụng 4-6 g/mỗi lần xịt thuốc
  • Nhóm SABA như Salbutamol. Nhóm SAMA như Ipratropium 
  • Nhóm thuốc tác dụng giãn phế quản kéo dài kết hợp với corticosteroid hít Symbicort cũng được xử dụng cắt cơn hen.

Khi người bệnh sử dụng loại thuốc cắt cơn nhiều hơn 2 ngày trong 1 tuần, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát tình trạng hen suyễn của mình. 

Cần lưu ý, các thuốc giãn phế quản SABA, SAMA (loại tác dụng nhanh) hay chậm đều có tác dụng phụ gây tăng nhịp tim, run tay. Vì vậy không nên lạm dụng thuốc giãn phế quản.

Symbicort không sử dụng quá 6 lần hít trong bất kỳ trường hợp nào. Liều tối đa 12 lần/ ngày.  

XỬ LÝ BỆNH HEN SUYỄN TRONG TRƯỜNG HỢP KHẨN CẤP NHƯ THẾ NÀO?

Người bệnh cần phải tăng liều thuốc cắt cơn khi hen mất kiểm soát với thuốc ngừa cơn

Người bệnh bị:

  • Vã mồ hôi khi thở
  • Khó thở khi đi lại và kể cả khi nói chuyện
  • Thở rất nhanh hoặc gấp gáp

Trường hợp người bệnh có cao huyết áp, bệnh mạch vành kèm theo thì cần thận trong trong việc tăng liều thuốc giãn phế quản quá nhiều.

Gọi Trung tâm Cấp cứu 115 để được chăm sóc cấp cứu hoặc khẩn cấp vào bệnh viện gần nhất.

VII. KẾT LUẬN

Hen phế quản là một bệnh mãn tính đường hô hấp, hen phế quản cấp là đợt bùng phát của hen phế quản mạn. Do đó, người bệnh cần được điều trị hen phế quản lâu dài, khi thấy những dấu hiệu bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời để hạn chế  những cơn hen phế quản cấp tính xảy ra.

 

     
      BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC SHING MARK

 

Các tin khác