Logo
ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ & NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ & NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Đái tháo đường thai kỳ (Gestational Diabetes Melitus - GDM) là bệnh lý khá phổ biến và có xu hướng ngày càng tăng. Theo Hiệp Hội Đái Tháo Đường Quốc Tế (International Diabetes Federation - IDF),ước tính trên toàn cầu có khoảng 14% trẻ sinh sống được sinh ra từ các bà mẹ GDM.

Bài viết được soạn bởi Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Tuyến – Bác sĩ Chuyên khoa Sản – Phụ sản, Bệnh viện ĐHYD Shing Mark.

Đái tháo đường thai kỳ (Gestational Diabetes Melitus - GDM) là bệnh lý khá phổ biến và có xu hướng ngày càng tăng. Theo Hiệp Hội Đái Tháo Đường Quốc Tế (International Diabetes Federation - IDF),ước tính trên toàn cầu có khoảng 14% trẻ sinh sống được sinh ra từ các bà mẹ GDM. Ở Việt Nam tần suất GDM cũng tăng đáng kể trong những thập niên gần đây, nhìn chung khoảng 10% thai kỳ xảy ra tình trạng GDM. Vấn đề quan trọng nhất của GDM là khả năng nó có thể gây ra các kết cục sản khoa bất lợi cho cả mẹ và con. Đối với mẹ, GDM làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, sinh non, nhiễm khuẩn niệu, sang chấn khi sinh, tăng huyết áp, các biến cố tim mạch và tăng nguy cơ GDM ở thai kỳ sau, nguy cơ phát triển thành đái tháo đường type II sau này. Đối với con, GDM gây ra tình trạng thai to, thai non tháng, thai chết lưu, kẹt vai khi sinh, suy hô hấp, hạ đường huyết sau sinh, tăng nguy cơ béo phì, đái tháo đường type II.

Đái tháo đường thai kỳ là gì?

Theo FIGO 2018, GDM là bất kỳ mức độ không dung nạp glucose nào khởi phát hoặc được ghi nhận lần đầu tiên trong thai kỳ. GDM có thể phát hiện ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ nhưng thường sau 24 tuần. Thông thường tình trạng GDM sẽ biến mất khoảng 6 tuần sau sinh.

Ai có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ?

Mọi thai phụ đều có nguy cơ mắc GDM, có tới 50% thai phụ mắc GDM mà không có các yếu tố nguy cơ cao.

Các yếu tố nguy cơ cao mắc GDM bao gồm:

·        Phụ nữ thừa cân, béo phì.

·        Tăng cân rất nhanh trong thai kỳ.

·        Tiền sử GDM ở thai kỳ trước.

·        Tiền căn sinh con to (trên 4 kg),sinh con dị tật, thai chết lưu, sinh non.

·        Phụ nữ rối loạn phóng noãn kiểu buồng trứng đa nang.

·        Phụ nữ trên 35 tuổi.

·        Gia đình có người bị đái tháo đường type II.

Tầm soát đái tháo đường thai kỳ.

Do mọi thai phụ đều có nguy cơ mắc GDM và những ảnh hưởng nặng nề của GDM nên tầm soát GDM được thực hiện cho tất cả các thai phụ, trừ những phụ nữ được chẩn đoán đái tháo đường trước mang thai.

Thời điểm tầm soát GDM:

·        Đối với thai phụ có nguy cơ mắc GDM cao, việc tầm soát được thực hiện sớm trong 3 tháng đầu thai kỳ.

·        Những phụ nữ không có nguy cơ cao thường được tầm soát ở thời điểm thai 24 – 28 tuần.

Ở Việt Nam, xét nghiệm tầm soát thường được thực hiện là test dung nạp glucose đường uống (OGTT – Oral Glucose Tolerance Test). Test này được thực hiện khi thai phụ không nạp năng lượng ít nhất 8 giờ, đường huyết được đo vào lúc đói, sau uống 75 gram glucose 30% 1 giờ, 2 giờ. Chẩn đoán GDM khi một trong ba chỉ số vượt ngưỡng (Glucose đói  5,1 mmol/L , sau 1 giờ ≥ 10 mmol/)L, sau 2 giờ ≥ 8,5 mmol/L.

Phòng ngừa đái tháo đường thai kỳ.

Để giảm nguy cơ mắc GDM, Bộ Y Tế hướng dẫn mẹ bầu cần có một chế độ ăn lành mạnh với đầy đủ thành phần dinh dưỡng, luôn kiểm soát cân nặng trong thai kỳ có chế độ vận động phù hợp.

Chế độ dinh dưỡng: thai phụ nên lựa chọn các thực phẩm ít đường, tăng cường chất xơ, hạn chế muối, gia vị, chất kích thích, thành phần dinh dưỡng đầy đủ với tỉ lệ carbohydrate 55 - 60%, chất đạm 15 - 20%, chất béo 20 - 30%, bổ sung đủ sắt, axit folic, canxi và các vitamin, hạn chế thức ăn nướng, chiên, xào ở nhiệt độ cao.

Hoạt động thể lực: thai phụ nên vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, có thể đi bộ hay tập thể dục vùng cánh tay khi ngồi ghế 10 phút sau mỗi bữa ăn, các bài tập yoga, bơi lội, đạp xe đạp cũng có ích trong việc kiểm soát đường huyết.

Kiểm soát cân nặng: mức tăng cân trong thai kỳ tùy thuộc vào cân nặng của người mẹ trước mang thai. IOM (Instute Of Medicine) đưa ra các khuyến nghị về mức tăng cân trong thai kỳ dựa trên chỉ số khối cơ thể như sau:

BMI trước mang thai

Cân nặng cần tăng trong thai kỳ (kg)

<18,5

12,5 - 18

18,5 - 24,9

11,5 - 16

25 - 29,9

7 – 11,5

≥ 30

5 - 9

  --------------------------------------------

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số 02513 988 888. Ngoài ra, Quý khách có thể Đăng ký tư vấn từ xa TẠI ĐÂY

-------------------------------------------

BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC SHING MARK

Hotline: 02513.988.888 - 80034

1054 Quốc Lộ 51, P.Long Bình Tân, Tp.Biên Hòa, Đồng Nai

FaceBook: https://www.facebook.com/shingmarkhospital

Sức Khỏe của bạn - Trách nhiệm của chúng tôi

 

Các tin khác